Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh, phương pháp điều trị tai biến mạch máu não trong giờ đầu bằng thuốc tiêu sợi huyết và phương pháp can thiệp đặt stent mạch máu não đã không còn xa lạ với nhiều người. Những phương pháp này đã được sử dụng hiệu quả giúp cứu sống nhiều người bệnh cũng như giúp người bệnh có thể phục hồi gần như hoàn toàn và không để lại di chứng. Tuy nhiên, đây trường hợp đầu tiên được sử dụng cả hai biện pháp kỹ thuật cao để cứu sống người bệnh. Và Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc là một trong số ít bệnh viện tuyến tỉnh hực hiện đầy đủ các phương pháp hiện đại tiên tiến điều trị kịp thời cho người bệnh bị đột quị.
Ông Ng. (1962) đã có tiền sử tăng huyết áp, tai biến mạch máu não. Khi thấy ông Ng. xuất hiện ý thức chậm dần, lơ mơ, thất ngôn (không nói được gì) và liệt nửa người bên trái, gia đình liền vội vã đưa ông vào bệnh đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc để kiểm tra. Sau thăm khám các bác sĩ chẩn đoán ông Ng. Đột quị không xác định do xuất huyết hay do nhồi máu não (tai biến mạch máu não).
Do tính chất phức tạp của ca bệnh và chưa xác định được nguyên nhân, các bác sĩ đã quyết định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị tai biến mạch máu não trong giờ đầu. Sau khi dùng thuốc, người bệnh gần như hồi phục hoàn toàn. Để xác định nguyên nhân gây đột quị, người bệnh tiếp tục được chuyển đến phòng can thiệp tim mạch để tiến hành chụp mạch máu não qua hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Kết quả chụp cho thấy, người bệnh tắc cấp tính động mạch cảnh cụ thể: hẹp 95% động mạch cảnh trong đoạn ngay sau xoang cảnh và hẹp 30% động mạch cảnh trong trái đoạn sau xoang cảnh.
|
Hẹp động mạch cảnh là nguyên nhân gây đột quị |
Từ đó, các bác sĩ xác định hẹp động mạch cảnh là nguyên nhân gây đột quị ở người bệnh Ng. Người bệnh lập tức được can thiệp hút huyết khối và đặt stent động mạch cảnh trong. Phương pháp này giúp giải quyết được tình trạng hẹp động mạch cảnh gây nguy cơ thuyên tắc mạch máu và giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu não thậm chí tử vong có thể xảy ra sau này.
Sau 48 giờ, người bệnh đã dần hồi phục, có thể đi lại sinh hoạt bình thường. Nhắc lại những giờ phút “kịch tính” của cuộc đời mình, ông Ng. xúc động nói: “Mới hôm qua tôi nằm trên giường bệnh, thần chết cận kề, lúc ấy tôi chẳng còn hi vọng gì, may mắn nhờ các bác sĩ cấp cứu kịp thời nên tôi mới còn sống được. Giờ tôi đi lại được, nói được cười được. Công lao này là nhờ các bác sĩ. Tôi và cả gia đình cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm”.
|
Thăm khám lại cho người bệnh trước khi xuất viện |
Theo Bs. CKII Nguyễn Văn Huy (Giám đốc trung tâm Tim mạch) là người trực tiếp thực hiện đặt stent động mạch cảnh cho ông Ng. chia sẻ: trường hợp ông Ng. rất may mắn, đến bệnh viện trong khoảng “thời gian vàng” sau đột quị não. Do vậy, người bệnh đã được thực hiện những phương pháp can thiệp đột quị hiện đại nhất trên thế giới hiện nay, bao gồm: dùng thuốc tiêu sợi huyết trong giờ đầu, can thiệp hút huyết khối đường động mạch, và sau cùng là đặt stent động mạch cảnh trong để tránh tái phát đột quị.
Người dễ mắc bệnh hẹp động mạch cảnh là những người cao tuổi, đặc biệt thường gặp hơn ở người có hút thuốc lá, có yếu tố nguy cơ tim mạch như: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… Tuy nhiên, hầu hết người bị hẹp động mạch cảnh không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi mức độ hẹp của động mạch trở nên trầm trọng. Những cơn đột quỵ nhẹ này thường xảy ra khi một vùng não bị thiếu nguồn cung cấp máu trong một thời gian ngắn - Bác sĩ Huy cho biết thêm.
Các chuyên gia về bệnh đột quị cũng khuyến cáo người dân khi gặp các triệu chứng như: yếu hoặc tê một bên mặt hoặc tay, chân, chóng mặt, nó đớ hoặc không thể nói chuyện,… cần lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế đặc biệt là các Bệnh viện thuộc mạng lưới Đột quị để được xử trí kịp thời. Để phòng ngừa bệnh hẹp động mạch cảnh phải cố gắng giảm và loại bỏ các yếu tố nguy cơ nếu có, đó là: điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bỏ thuốc lá, tránh béo phì… Đồng thời cũng nên sống gần gũi thiên nhiên, vận động nhiều, tập thể dục đều đặn và có chế độ ăn uống khoa học.
Tác giả: Thành Tuyên