Theo ghi nhận của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, tại tỉnh Vĩnh Phúc tính từ đầu năm 2022 đến nay đã có 2757 trường hợp mắc cúm A được ghi nhận trên hệ thống giám sát.
Bệnh cúm A/H1N1 là gì?
Theo BS. CKI. Hà Xuân Mai (Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bệnh cúm A/H1N1 là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A (H1N1) gây ra. Bệnh có khả năng lây truyền nhanh qua đường hô hấp, chủ yếu do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng “bắn” ra ngoài không khí hoặc những đồ vật bị nhiễm virus từ người bệnh sau đó đưa lên mũi, miệng.
|
Bệnh cúm A H1/N1 lây lan qua đường hô hấp |
Bệnh lây lan nhanh từ người này qua người khác, trong thời gian 1 ngày và thường ủ bệnh sau khoảng 7 ngày sau kể từ khi nhiễm virus cúm A/H1N1 mới bắt đầu có các triệu chứng.
Virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang…; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C.
Cúm A là bệnh lý thường xuất hiện vào mùa đông, khi thời tiết lạnh. Tuy nhiên, trong thời điểm mùa hè năm nay số lượng người mắc cúm A tăng lên sớm hơn, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. Đáng nói, một số trường hợp còn diễn biến nặng, nguy kịch.
Do đó, việc chủ động phòng chống bệnh cúm A/H1N1 là một việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bạn trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Cần nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh cúm A/H1N1 để đi thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời tránh nguy cơ tử vong do cúm A/H1N1 gây ra.
Dấu hiệu của cúm A/H1N1
Ho, sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, nhức mỏi, … là những dấu hiệu của bệnh cúm. Các virus cúm sẽ gây nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt tiến triển nhanh ở trẻ em, phụ nữ có thai, người già, những người suy giảm miễn dịch.
Khi có các biểu hiện nặng như sốt cao liên tục, ho nhiều, khó thở, tức ngực, … nên đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời nhằm giảm mức độ diễn biến nặng của bệnh.
Để phòng và giảm nguy cơ lây lan bệnh cúm A(H1N1), BS.CKI. Hà Xuân Mai đã đưa đến một số khuyến cáo với người dân:
Chủ động tiêm vaccin cúm hàng năm để phòng bệnh. Đặc biệt các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch
Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
Không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.
Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc
Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây
Tác giả: Thành Tuyên