Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, có thể khỏi sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, nó gây ra rất nhiều bất tiện cho người bệnh như gây khó chịu, đau nhức và nếu không chăm sóc cẩn thận thì có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn.
Đặc biệt, bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc và lây nhiễm từ người này qua người khác qua đường hô hấp. Có những trường hợp gia đình có 6 người và đều bị mắc bệnh đau mắt đỏ. Vì thế, tất cả chúng ta đều cần có ý thức phòng tránh, không chỉ cho bản thân mà còn cho cả những người xung quanh.
Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ
- Vệ sinh mắt sạch sẽ mỗi ngày, không dụi mắt, nhất là khi bàn tay chưa được vệ sinh sạch sẽ thì tuyệt đối không đưa tay lên mắt.
- Không để mắt làm việc quá sức, nhất là khi làm việc với sách vở, máy tính, điện thoại... Các bạn nên để mắt được nghỉ ngơi.
- Ngủ đủ 7 - 8 giờ mỗi ngày để có đôi mắt khoẻ mạnh.
- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để đảm bảo vệ sinh.
- Không dùng chung khăn mặt, chậu rửa, gối...
- Sử dụng dung dịch dưỡng mắt mỗi ngày để giúp chăm sóc đôi mắt sạch và khoẻ mạnh hơn.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ và các vật dụng cá nhân của người đau mắt đỏ. Trong trường hợp bắt buộc, các bạn nên đeo khẩu trang để tránh bị lây bệnh.
- Không nên đến vùng dịch và nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.
Đặc biệt lưu ý:
Hiện nay, một số người bệnh tự chữa đau mắt đỏ bằng cách xông lá trầu không hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi:
- Xông lá trầu có thể gây kích thích, làm mắt đỏ, sưng thêm.
- Thuốc có thành phần corticoid là loại thuốc chống viêm, không thể tùy tiện sử dụng bởi nó có thể gây biến chứng giảm, mất thị lực.
Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được các Bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám, hướng dẫn sử dụng thuốc. Đồng thời, chúng ta cũng nên giữ vệ sinh mắt sạch sẽ, để mắt được nghỉ ngơi, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, khi nói chuyện, tiếp xúc với những người xung quanh tránh làm bệnh lây lan và phát triển mạnh hơn.
Tác giả: Trần Sang