Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), trong năm 2022 có tới hơn 2,2 triệu phụ nữ được phát hiện ung thư vú và có hơn 666.000 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam ghi nhận khoảng 24.563 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25.8 % tổng số các bệnh ung thư ở nữ giới. Trong những năm gần đây tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng gia tăng và trẻ hóa.
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), trong năm 2022 có tới hơn 2,2 triệu phụ nữ được phát hiện ung thư vú và có hơn 666.000 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam ghi nhận khoảng 24.563 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25.8 % tổng số các bệnh ung thư ở nữ giới. Trong những năm gần đây tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng gia tăng và trẻ hóa.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT UNG THƯ VÚ
Trong giai đoạn sớm, ung thư vú thường không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người bệnh phát hiện bệnh tình cờ khi tự khám hoặc qua tầm soát. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cảnh báo bao gồm:
Xuất hiện khối u ở vú, gần xung quanh vú hoặc dưới nách;
• Dịch từ núm vú đặc biệt dịch có máu;
• Vết lõm da vú hoặc dày da vú;
• Đau nhức vùng vú hoặc núm vú;
• Biểu hiện tụt núm vú;
• Vú có sự thay đổi về kích thước và hình dáng;
• Da vùng vú, quầng vú hoặc núm vú có vảy, đỏ hoặc sưng;
Lưu ý: Không phải tất cả các khối u ở vú đều là ung thư, nhưng mọi thay đổi bất thường cần được khám và đánh giá chuyên khoa.
NGUYÊN NHÂN UNG THƯ VÚ
• Bệnh ung thư vú thường mắc phải ở những người sinh con muộn, không có khả năng sinh sản hoặc không cho con bú.
• Có kinh nguyệt sớm hay mãn kinh muộn cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh.
• Do gen di truyền: Nếu trong gia đình có mẹ hoặc bà, chị gái, em gái mắc bệnh này thì bạn cũng nên đi bệnh viện kiểm tra, bởi bệnh này có tỉ lệ nhỏ liên quan đến di truyền.
• Có kinh nguyệt sớm hay mãn kinh muộn cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh.
• Béo phì, lười vận động, ăn thức ăn nghèo vitamin, hút thuốc lá, uống rượu cũng có nguy cơ bị ung thư vú.
TẦM SOÁT UNG THƯ VÚ: PHÁT HIỆN SỚM – CƠ HỘI SỐNG CAO
Tầm soát định kỳ giúp phát hiện ung thư vú ngay cả khi chưa có triệu chứng, từ đó can thiệp sớm và nâng cao hiệu quả điều trị. Các phương pháp bao gồm:
• Tự khám vú: phụ nữ từ độ tuổi sinh đẻ (18 tuổi trở lên) nên tự khám vú hàng tháng giúp quen với khuôn ngực bình thường của mình và dễ dàng phát hiện sớm các thay đổi của tuyến vú. Tự khám vú không thay thế cho sàng lọc ung thư vú tại bệnh viện.
• Chụp nhũ ảnh hay chụp Xquang tuyến vú (Mammography): là phương pháp chính trong tầm soát ung thư vú, đây là phương pháp đơn giản và hiệu quả để sàng lọc phát hiện các bệnh lý tuyến vú nói chung và ung thư vú nói riêng.
• Chụp cộng hưởng từ (MRI) vú: được chỉ định phối hợp với chụp Xquang tuyến vú để sàng lọc ung thư vú ở những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao.
• Siêu âm vú: có thể coi siêu âm vú là một công cụ hỗ trợ cho Xquang vú ở những phụ nữ có mô vú dày và những phụ nữ có nguy cơ cao và có chống chỉ định với MRI vú. Siêu âm thường được sử dụng để theo dõi các bất thường trên Xquang tuyến vú nhằm làm rõ các đặc điểm của tổn thương nghi ngờ.
• Ở những người có tiền sử gia đình ung thư vú, hoặc có đột biến gen BRCA1/BRCA2, cần được tư vấn di truyền và tầm soát sớm hơn.
ĐIỀU TRỊ UNG THƯ VÚ.
Điều trị ung thư vú hiện nay được cá thể hóa theo đặc điểm sinh học khối u và giai đoạn bệnh. Các phương pháp điều trị chính bao gồm:
• Phẫu thuật: Thực hiện cắt bỏ khối u, các bác sĩ phẫu thuật loại bỏ các tế bào ung thư và chừa phần còn lại của vú. Đây là một sự lựa chọn khả thi khi khối u chưa lan rộng. Bác sĩ có thể phẫu thuật chỉ loại bỏ khối u trong vú; hoặc cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú. Phẫu thuật này nhằm loại bỏ toàn bộ vú có tế bào ung thư, các hạch bạch huyết dưới cánh tay, lớp thành ngoài cơ ngực. Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc trước các ca phẫu thuật các bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn để đảm bảo vừa loại bỏ khối u và tạo hình ngực cho người bệnh đảm bảo về tính thẩm mỹ.
• Xạ trị: Sử dụng chùm tia năng lượng cao hoặc các dạng tia phóng xạ khác để tiêu diệt các tế bào ung thư hay ngăn ngừa chúng phát triển và giảm nguy cơ tái phát.
• Hóa trị: sử dụng thuốc để làm các tế bào ung thư ngừng phát triển. Phương pháp này có thể được sử dụng để làm giảm sự phát triển của khối u trước khi phẫu thuật loại bỏ. Hóa trị cũng có thể được dùng sau phẫu thuật để ngăn ngừa khối u tái phát triển.
• Liệu pháp hormone: Phương pháp này được dùng để ngăn chặn hoạt động của các loại hormone và không cho khối u phát triển. Liệu pháp hormone chỉ phát huy tác dụng với các loại ung thư vú có liên quan đến hormone.
• Liệu pháp điều trị trúng đích: Đây là liệu pháp điều trị toàn thân nhằm tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh.
Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh; kích thước khối u, tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc nhiều phương pháp kết hợp.
CÁCH PHÒNG TRÁNH UNG THƯ VÚ.
Khám sàng lọc ung thư vú, và kiểm tra sức khỏe định kỳ: Vì thời kỳ “tiền lâm sàng” của ung thư vú kéo dài từ 8-10 năm nên việc khám sàng lọc có giá trị cao trong việc phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả. Nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn 1, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên tới hơn 80%, ở giai đoạn 2 tỷ lệ này là 60%, đồng thời bảo tồn được vú. Ở giai đoạn 3, khả năng khỏi hẳn là rất thấp. Đến giai đoạn 4 thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống và giảm bớt sự đau đớn.
Tăng hiểu biết về bệnh nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu liên quan đến bệnh.
• Xây dựng cho bản thân một lối sống lành mạnh:
• Ăn nhiều rau xanh, tăng thêm thực phẩm giàu vitamin A,E.
• Cân nhắc việc điều trị bằng hormon ở giai đoạn mãn kinh: Việc tăng thêm lượng hormon estrogen vào cơ thể có thể làm tăng sự phân chia tế bào vú, dẫn đến tăng thêm nguy cơ kích thích sự phát triển của các tế bào bất thường gây ung thư vú.
Ung thư vú không phải là dấu chấm hết, đặc biệt khi được phát hiện sớm. Mỗi người phụ nữ hãy chủ động bảo vệ mình bằng cách tự khám vú thường xuyên, tham gia tầm soát định kỳ và đến các cơ sở y tế chuyên sâu khám khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Trần Sang