Ngay khi nhập viện cấp cứu, người bệnh Nguyễn Thị B. (65 tuổi, Tam Dương) được chẩn đoán Block nhĩ thất cấp III do Nhồi máu cơ tim cấp. Đây là một bệnh lý tim mạch tiến triển rất nhanh và nặng nề. Tỉ lệ tử vong cao nhất của nhồi máu cơ tim cấp xảy ra trong giờ đầu tiên từ khi bệnh khởi phát. Nguyên nhân trực tiếp do hoại tử cơ tim cấp dẫn tới rối loạn nhịp tim nguy hiểm như rung thất, block nhĩ thất cấp 3.
Xác định đây là một trường hợp cấp cứu khẩn cấp, cần phải chạy đua với thời gian để giành giật mạng sống cho người bệnh khỏi tay tử thần. Các bác sĩ liên khoa Cấp cứu và Tim mạch can thiệp đã sử dụng những phương pháp kỹ thuật cao và trang thiết bị hiện đại có thể nhất để cấp cứu người bệnh.
|
Hình ảnh can thiệp mạch vành của người bệnh trên hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA |
Tại khoa Cấp cứu, người bệnh được cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim, đặt nội khí quản đảm bảo chức năng sống. Ngay sau đó, người bệnh được chuyển tới phòng can thiệp tim mạch để các Bác sĩ tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời trong buồng tim giúp ổn định nhịp tim và nhanh chóng được can thiệp nhằm khôi phục dòng chảy động mạch vành bằng hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).
Theo Ths. Bs Cao Việt Cường (Phụ trách đơn nguyên Tim mạch can thiệp): Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng tắc cấp tính do cục máu đông hình thành trong lòng động mạch vành (động mạch nuôi cơ tim). Nguyên tắc chung trong cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp là hồi sức tim mạch và nhanh chóng tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt để cứu vãn tối đa phần cơ tim thoi thóp, hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng. Dòng chảy động mạch vành chỉ được khôi phục khi loại bỏ được cục máu đông (bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc hút huyết khối) và can thiệp nong, đặt giá đỡ (stent) trong lòng động mạch vành.
|
Người bệnh được chăm sóc tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc |
Người bệnh Nguyễn Thị B. được các bác sĩ cho chỉ định chụp động mạch vành chọn lọc qua da, sau khi chụp động mạch vành qua da các bác sĩ phát hiện: Tắc hoàn toàn động mạch vành phải do huyết khối. Ngay lập tức, các bác sĩ Tim mạch can thiệp quyết định tiến hành hút huyết khối động mạch vành và nong bóng, đặt Stent động mạch vành. Kết quả nhịp tim của người bệnh đã đập đều trở lại, tình trạng huyết động cải thiện hơn và động mạch vành đã thông thoáng trở lại. Sau hai giờ tích cực cấp cứu, bằng sự phối hợp đồng bộ, kịp thời của các bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Tim mạch can thiệp đã giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch và được đưa về khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để tiếp tục theo dõi.
Trải qua hơn một tuần điều trị hồi sức tích cực, người bệnh đã ổn định và đủ điều kiện để ra viện. Trước khi ra viện bà bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với các y, bác sĩ cùng toàn thể Bệnh viện đã kịp thời cứu sống mình: “Tôi không biết nói gì hơn là cảm tạ ơn cứu mạng của các bác sĩ, trời phật thương cho tôi được từ cõi chết trở về. Tôi đã chết thật rồi đấy, tim ngừng đập rồi nhưng may mắn quá các bác sĩ đã cứu tôi trở về. Tôi cảm ơn Đảng, cảm ơn nhà nước, cảm ơn Bệnh viện vô cùng.”
|
Bà Nguyễn Thị B. nói lời cảm ơn và được Bác sĩ dặn dò trước khi xuất viện |
Nói về trường hợp cấp cứu thành công người bệnh nguy kịch ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp, Bs Nguyễn Văn Huy (TK Cấp cứu) cho biết: Điểm khác biệt của ca bệnh này, đó là khi vào viện người bệnh đã ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp, nếu như trước đây người bệnh không có cơ hội sống, nhưng nhờ trang thiết bị máy móc hiện đại đã giúp đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoàn toàn chủ động trong việc can thiệp mạch vành cấp cứu giúp người bệnh Nguyễn Thị B. vượt qua cơn hiểm nghèo trở lại cuộc sống cũng như sinh hoạt bình thường.
Có thể nói, với sự đầu tư về trang thiết bị hiện đại, vật tư y tế đầy đủ và đội ngũ thầy thuốc có chuyên môn cao, trách nhiệm, bản lĩnh đã hoàn toàn chủ động tiếp cận với lĩnh vực can thiệp tim mạch chuyên sâu kịp thời cứu sống người bệnh trong cơn nguy kịch, giúp cho người bệnh có thể yên tâm lựa chọn khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc
Tác giả: Thu Thủy