Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ nuốt phải các dị vật như đồng xu, ốc vít, chìa khóa… Tình trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh cần phải sát sao hơn nữa khi trông nom con em của mình.
*Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI. Nguyễn Thị Hoan – Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Trẻ nuốt phải dị vật thường có tiên lượng tốt và ít để lại di chứng. Phần lớn dị vật sẽ theo đường tiêu hóa qua họng và xuống thực quản, dạ dày nhờ phản xạ nuốt tức thì của trẻ. Sau đó, dưới tác động của nhu động ruột, dị vật sẽ di chuyển theo ống tiêu hóa và được đào thải theo phân sau vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ nuốt phải dị vật có thể gặp phải biến chứng trước mắt hoặc về sau, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ:
-
Bít tắc đường thở: Dị vật tiêu hóa ở ngã ba hầu họng có thể gây bít tắc đường thở hoặc rơi vào thanh - khí - phế quản gây nên triệu chứng khó thở, suy hô hấp. Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ nuốt phải dị vật, mà đôi khi chỉ 1 sự chậm trễ có thể ảnh hưởng tính mạng.
-
Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa và các cơ quan lân cận: Nếu trẻ nuốt phải dị vật sắc nhọn thì có nguy cơ tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa: Xước, rách, nhiễm trùng, hoại tử,... Biến chứng nguy hiểm nhất trong trường hợp này là dị vật thực quản đâm vào động mạch chủ có thể dẫn đến tử vong tức thì.
-
Một biến chứng khác có thể gặp sau khi trẻ nuốt phải dị vật là tình trạng tắc ruột. Dị vật tiêu hóa có thể gây tắc nghẽn tại một vị trí nào đó trong ống tiêu hóa của trẻ gây nên các triệu chứng như: Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, bí trung tiện, bí đại tiện và chướng bụng,...
-
Một số dị vật tiêu hóa còn giải phóng các chất độc như pin, đồ chơi có thủy ngân,... gây ngộ độc, nguy hại cho sức khỏe của trẻ.
Để tránh tình trạng trẻ nuốt dị vật, cha mẹ nên chú ý:
-
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ phải chuẩn bị kỹ thức ăn cho trẻ, lấy hết xương cá, xương gà ra khỏi món ăn. Tập cho trẻ lớn thói quen ăn chậm, nhai kỹ.
-
Không cho trẻ ngậm bất kỳ vật nhỏ gì ở miệng vì trẻ dễ nuốt vào. Không nên đùa, gây cười khi trẻ đang ăn uống, vì dễ khiến trẻ bị sặc.
-
Không nên cho trẻ ăn các loại hạt hoặc những loại quả chưa lấy hạt, vì hạt dễ rớt vào đường thở hoặc thực quản, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời,…
-
Để các vật dụng nhỏ, sắc nhọn tránh xa tầm với của trẻ
Trong nhà có trẻ nhỏ cha mẹ cần chú ý tới các đồ vật nhỏ, các đồ chơi khuyến cáo cho trẻ theo độ tuổi, khi ăn chú ý các loại đồ ăn có thể gây khó nuốt, vật cứng làm hóc trẻ. Đồ đạc cần để cao tránh tầm với của trẻ, tránh sự hiếu kỳ của trẻ gây những đáng tiếc cho gia đình. Nếu xảy ra tình huống trẻ em nuốt phải một dị vật, cha mẹ cần bình tĩnh và ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để xác định vị trí của dị vật trong cơ thể trẻ. Tùy thuộc vào tình trạng và vị trí của dị vật, bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình tiếp tục theo dõi chăm sóc trẻ hay cần chỉ định can thiệp lấy dị vật.
Tác giả: Trần Sang