Người bị nhiễm vi khuẩn Salmonella do thực phẩm hoặc nước có chứa vi khuẩn. Salmonella có thể tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm, thậm chí cả trong thực phẩm đã có chế biến. Thực phẩm bị nhiễm Salmonella có thể ảnh hưởng đến hình dáng, mùi vị, chất lượng và có khả năng gây bệnh cho con người. Những người bị nhiễm Salmonella có thể truyền vi khuẩn sang người khác.
Bạn có thể nhiễm Salmonella do các nguyên nhân sau:
-
Thức ăn và nước uống bị nhiễm vi khuẩn Salmonella: Thịt, gia cầm, trứng và hải sản sống, sữa chưa tiệt trùng, rau củ trái cây sống, thực phẩm được bảo quản và xử lý không đúng cách…
-
Các bề mặt bị nhiễm khuẩn: Khi bạn chạm vào bề mặt bị nhiễm khuẩn và sau đó đưa tay lên miệng, cầm hay chế biến thức ăn…
-
Vật nuôi và các động vật khác bị nhiễm bệnh: Các loài động vật, vật nuôi trong nhà cũng có thể là vật thể mang vi khuẩn Salmonella. Một số ý kiến cho rằng đôi khi một vài loại thức ăn cho vật nuôi có thể nhiễm khuẩn Salmonella và là nguồn lây nhiễm cho động vật.
Bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella thường có triệu chứng tiến triển từ 12-72 giờ đồng hồ sau khi nhiễm khuẩn, kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Trong đó các dấu hiệu điển hình có thể kể đến là: Tiêu chảy, đau quặn bụng, sốt, buồn nôn, nôn, ớn lạnh, đau đầu, xuất hiện máu trong chất thải,…
Hầu hết các trường hợp bệnh nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng trong một số trường hợp nặng hơn, người bị ngộ độc cần phải được chăm sóc y tế đúng cách. Các biến chứng có nguy cơ đe dọa tính mạng cũng có thể phát triển nếu tình trạng nhiễm trùng lan ra ngoài ruột.
Để phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella, chúng ta cần đặc biệt lưu ý trong vấn đề tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể như:
-
Rửa trái cây và rau dưới vòi nước chảy.
-
Rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi xử lý, chế biến thực phẩm.
-
Vệ sinh dụng cụ chế biến, dụng cụ ăn cũng như không gian nhà bếp định kỳ.
-
Không ăn tiết canh, không ăn thịt tái.
-
Thức ăn nấu để dành cần nấu chín, để nguội và sau đó cho vào tủ lạnh ngay, tối đa là trong vòng 4 giờ đồng hồ sau khi nấu xong.
-
Thức ăn dư thừa, thức ăn dự trữ, cần phải được nấu lại trước khi ăn.
-
Thực phẩm nên được bảo quản trong tủ lạnh.
-
Khi ăn ở các quán ăn ngoài đường, cần chú ý tránh các quán có môi trường ẩm thấp, bụi bẩn, bàn ghế, đũa muống không sạch sẽ.
Tuân thủ giữ vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống sôi và đảm bảo bàn tay thật sạch trước và sau khi chế biến thức ăn và khi ăn uống là các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu để tránh nhiễm khuẩn Salmonella.
Bệnh do vi khuẩn Salmonella gây ra diễn tiến từ nhẹ đến nặng, thậm chí tử vong, đặc biệt nguy hiểm ở những nhóm đối tượng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già, những người có hệ miễn dịch suy giảm,.... Vì vậy chúng ta cần nhận biết các dấu hiệu nhận biết bệnh và đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Tác giả: Bích Thủy