Đột quỵ não không chỉ là một cơn khủng hoảng sức khỏe cấp tính, mà còn là ngã rẽ quan trọng trong cuộc sống của người bệnh, nơi ranh giới giữa hồi phục và tàn phế đôi khi chỉ cách nhau vài giờ. Trong hành trình vượt qua hậu quả nặng nề mà đột quỵ để lại, phục hồi chức năng sớm chính là “cơ hội vàng” giúp người bệnh lấy lại khả năng vận động, giảm thiểu di chứng và nâng cao chất lượng sống. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ vì sao việc can thiệp sớm và đúng cách ngay từ khi bệnh nhân còn nằm viện lại có ý nghĩa sống còn như vậy không chỉ với người bệnh mà còn với gia đình và toàn xã hội.
1. Đột quỵ não là gì?
Đột quỵ não, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng não bị tổn thương đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ, khiến một phần não không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tế bào não ở vùng tổn thương sẽ chết dần chỉ sau vài phút, gây ra các rối loạn chức năng như liệt, nói khó, mất trí nhớ, thậm chí tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đột quỵ là một thiếu sót chức năng thần kinh xảy ra đột ngột, có triệu chứng khu trú, kéo dài trên 24 giờ hoặc dẫn đến tử vong, không do chấn thương sọ não.
Có hai loại đột quỵ chính:
- Nhồi máu não (80 - 85%): do mạch máu não bị tắc nghẽn, thường do cục máu đông.
- Xuất huyết não (15 - 20%): do vỡ mạch máu, gây chảy máu trong não.
Tại sao lại cần phục hồi chức năng vận động sớm cho người bệnh sau đột quỵ não?
Đột quỵ não là tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau ung thư, tim mạch gây ra tàn tật và để lại di chứng nặng nề: 1/3 người bệnh đột qụy bị tàn tật và phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người thân, 1/3 số người bệnh phụ thuộc một phần, 50% người bệnh sau đột quỵ không hồi phục chức năng tay. Các di chứng do đột quỵ não để lại từ nhẹ đến vừa chiếm tỷ lệ cao là 68,4%, di chứng nặng là 27,6% trong đó di chứng về vận động là chủ yếu chiếm 92,6%. Có từ 40% đến 70% người bệnh sống sót sau đột quỵ não để lại di chứng tàn tật vĩnh viễn, đây là gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội.
Chính vì vậy, phục hồi chức năng vận động sớm đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Việc tập luyện vận động đúng cách và kịp thời ngay từ khi còn nằm viện giúp:
- Tăng khả năng hồi phục chức năng vận động, ngôn ngữ, nhận thức;
- Giảm nguy cơ hình thành các biến chứng như viêm phổi do nằm lâu, loét tì đè, huyết khối tĩnh mạch sâu;
- Giúp người bệnh lấy lại sự tự chủ, giảm gánh nặng chăm sóc cho gia đình và xã hội;
- Nâng cao chất lượng sống và tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng;
Hồi phục sau đột quỵ là cuộc đua với thời gian trong đó từng giờ, từng ngày đều quý giá để quyết định ranh giới giữa hồi phục và tàn phế.
2. Khái niệm và mục đích của vận động trị liệu.
Phòng ngừa đột quỵ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như hạn chế tái phát sau đột quỵ. Tuy nhiên, đối với những người không may đã trải qua cơn đột quỵ, bên cạnh việc kiểm soát yếu tố nguy cơ, một nhiệm vụ không thể thiếu chính là phục hồi chức năng vận động. Đây là yếu tố then chốt quyết định khả năng tự chăm sóc bản thân, mức độ hồi phục và chất lượng cuộc sống về sau của người bệnh. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về khái niệm và mục đích của vận động trị liệu - một phần thiết yếu trong quá trình phục hồi đột quỵ.
Vận động trị liệu là phương pháp trị liệu dùng sự vận động để giúp cho người bệnh mau chóng phục hồi khi bệnh tật ngăn trở họ tiếp tục làm việc, vui chơi và sinh hoạt độc lập vì chức năng bị mất hay giảm.
Mục đích của vận động trị liệu:
Tăng sức mạnh cơ: Sự tập luyện làm tăng sức mạnh cơ được chỉ định đối với những cơ bị teo vì ít hoạt động.
Tăng sức chịu đựng (tăng sức bền của cơ): Bài tập này đặc biệt hữu ích trong giai đoạn dưỡng bệnh.
Điều hoà vận động: Nguyên tắc của loại bài tập này là các động tác được lập lại nhiều lần cho đến khi đạt được sự thực hiện một cách chính xác. Chương trình tập luyện đặc biệt hữu ích đối với những người bị bệnh rối loạn chức năng tiểu não.
Tăng hay duy trì tầm vận động khớp: Các bài tập này rất hữu ích khi có tình trạng bị giới hạn tầm vận động do bất cứ nguyên nhân nào. Các động tác tập loại bài tập này đặc biệt cần thiết đối với các trường hợp bị liệt hay có nguy cơ co rút.
3. Các bài tập vận động trị liệu cho người bệnh sau đột quỵ não
3.1. Bài tập thụ động
- Là những cử động được thực hiện bởi một lực bên ngoài thông qua dụng cụ hoặc người điều trị mà không có sự co cơ chủ động ở phần thân thể vận động.
3.2. Bài tập chủ động
- Là bài tập được thực hiện bởi chính lực cơ của người bệnh, được chia làm ba loại:
- Bài tập chủ động có trợ giúp: Là bài tập có dùng lực bên ngoài để hỗ trợ một phần cho người bệnh để thực hiện hết tầm vận động.
- Bài tập chủ động hoàn toàn (tự do): Là bài tập được thực hiện bởi chính lực cơ của người bệnh không có sự trợ giúp hay cản trở của bất kỳ lực bên ngoài nào khác trừ trọng lực.
- Bài tập có kháng trở (đề kháng): Là bài tập có dùng lực bên ngoài để chống lại sự co cơ của người bệnh.
3.3. Bài tập kéo giãn
- Là dùng cử động cưỡng bức chủ động (tự người bệnh) hoặc thụ động (tay người điều trị hoặc dụng cụ cơ học), nhằm gia tăng tầm vận động khớp khi có tình trạng giới hạn do giảm hay mất tính đàn hồi của mô mềm.
4. Thời điểm can thiệp phục hồi chức năng vận động sớm.
- Tất cả người bệnh nhập viện vì đột quỵ cấp cần được đánh giá bởi chuyên gia phục hồi chức năng, lý tưởng nhất trong vòng 48 giờ sau khi nhập viện.
- Thông thường, không khuyến cáo hoạt động đưa người bệnh ra khỏi giường diễn ra quá sớm trong vòng 24 giờ sau khi khởi phát đột quỵ. Trong vòng 24 giờ đầu tiên, nên để cho não được nghỉ ngơi, chỉ nên vận động thụ động cho người bệnh như xoa bóp chi, lăn trở… để tránh huyết khối và tránh tổn thương loét do tỳ đè.
- Vận động sớm có thể phù hợp đối với một số người bệnh đột quỵ cấp nhưng cần đánh giá lâm sàng cẩn thận.
- Tất cả người bệnh nhập viện vì đột quỵ cấp nên được bắt đầu vận động sớm (trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi đột quỵ khởi phát) nếu không có chống chỉ định.
Chống chỉ định vận động sớm bao gồm:
- Can thiệp mạch máu gần đây;
- Tình trạng nội khoa chưa ổn định, độ bão hòa oxi thấp;
- Gãy xương hoặc chấn thương phối hợp;
- Ý thức giảm nặng hoặc không hợp tác.
Thực tế áp dụng lâm sàng: “Phục hồi chức năng vận động nên được bắt đầu sớm nhất có thể”:
- Ngay sau khi người bệnh ổn định.
- Sau khi hoàn thành tất cả can thiệp cần thiết trong giai đoạn cấp.
- Sau khi không còn nguy cơ nào do vận động có thể xảy ra cho vùng tranh tối tranh sáng.
- Khi người bệnh có thể chịu đựng tập luyện trong vòng 30 phút.
- Khi chắc chắn rằng người bệnh đã thích hợp để phục hồi chức năng.
- Ngay khi người bệnh được chuyển đến trung tâm phục hồi chức năng.
5. Phục hồi chức năng vận động cho người bệnh sau đột quỵ não dễ hay khó?
Dễ là khi:
- Người bệnh được tập phục hồi chức năng kịp thời.
- Sự phối hợp và hỗ trợ tận tâm của các Bác sĩ/Điều dưỡng/Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng với các bài tập phù hợp, khoa học cũng như trị liệu về mặt tâm lí cho người bệnh.
- Có được sự khuyến khích, động viên của người thân trong gia đình trong vấn đề tập luyện, ăn uống và sinh hoạt cho người bệnh.
Khó là khi:
- Đa số người bệnh bị đột quỵ não thường bị rối loạn về tâm lí như trầm cảm nên không cố gắng hoặc từ bỏ tập luyện. Vì vậy, để phục hồi cần đòi hỏi tính kiên trì, ý chí vững vàng, và lạc quan của người bệnh.
- Người bệnh không được tập phục hồi chức năng sớm và toàn diện.
- Người bệnh không từ bỏ các thói quen có thể gây tái phát như: hút thuốc, ăn mặn…
6. Phòng ngừa tái phát - Bảo vệ kết quả phục hồi
Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật. Nếu cấp cứu và phục hồi chức năng giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch, thì phòng ngừa chính là “lá chắn” giúp giảm nguy cơ mắc mới hoặc tái phát.
Để phòng ngừa hiệu quả, việc kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ là điều bắt buộc: giữ huyết áp ổn định dưới 140/90 mmHg, kiểm soát đường huyết, mỡ máu, điều trị các bệnh lý tim mạch như rung nhĩ, van tim…
Bên cạnh đó, cần xây dựng lối sống lành mạnh: bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, ăn nhiều rau xanh, cá, trái cây tươi và giảm muối, chất béo xấu. Duy trì vận động thể lực đều đặn – tối thiểu 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần – cũng giúp cải thiện sức khỏe toàn diện.
Việc tuân thủ điều trị thuốc (aspirin, thuốc chống đông, statin…) và khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các nguy cơ mới. Đồng thời, cần giữ tinh thần lạc quan, hạn chế stress – yếu tố có thể kích hoạt đột quỵ.
Phòng ngừa đột quỵ không chỉ dành cho người từng mắc bệnh mà còn là việc cần thiết cho mỗi cá nhân. Chủ động bảo vệ sức khỏe hôm nay chính là cách tốt nhất để tránh hậu quả nặng nề trong tương lai.
7. Khoa Đột quỵ - Đồng hành cùng người bệnh trên hành trình hồi phục
Được chính thức thành lập vào tháng 11 năm 2024, Khoa Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc là bước phát triển quan trọng từ Đơn nguyên Đột quỵ trước đây thuộc khoa Thần kinh - Tâm thần. Với mục tiêu đem lại cơ hội sống và hồi phục tốt nhất cho người bệnh, khoa quy tụ đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tận tâm, được đào tạo chuyên sâu từ các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Thần kinh.
Hiện nay, khoa đã triển khai và làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến trong điều trị đột quỵ như: tiêu huyết khối qua đường tĩnh mạch, lấy huyết khối trong mạch máu não bằng dụng cụ cơ học, nút túi phình mạch não, theo dõi áp lực nội sọ, dẫn lưu não thất... Những phương pháp này giúp người bệnh có cơ hội sống sót cao hơn và phục hồi nhanh hơn nếu được can thiệp kịp thời.
Đặc biệt, ngay sau khi người bệnh ổn định, các bài tập phục hồi chức năng vận động sớm được bắt đầu ngay tại giường bệnh. Đây là điểm khác biệt lớn trong chăm sóc người đột quỵ, không chỉ điều trị cấp cứu mà còn đồng hành cùng người bệnh trên hành trình hồi phục chức năng, trở lại sinh hoạt bình thường, giảm thiểu tàn phế và gánh nặng cho gia đình.
Với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ chuyên môn vững vàng và tinh thần trách nhiệm cao, Khoa Đột Quỵ đang từng bước trở thành nơi điều trị toàn diện cho người bệnh đột quỵ: từ cấp cứu, điều trị, cho đến phục hồi chức năng, khẳng định luôn sát cánh cùng người bệnh và gia đình trong hành trình tìm lại sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Thành Tuyên