Theo Tổ chức Y tế thế giới, tần suất mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính ở người trưởng thành trên thế giới là khoảng 80% và ở Việt Nam là 62%. Phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 3 - 4 lần nam giới. Khoảng 1% dân số bị loét chi dưới do nguyên nhân tĩnh mạch. Bệnh này thường có các triệu chứng đau nhức chân, kèm các cảm giác khó chịu như: mỏi, nặng, cảm giác kiến bò, chuột rút… Những triệu chứng trên sẽ tăng lên khi vận động và giảm xuống khi nghỉ ngơi. Sau đó bệnh nhân bị phù chân, gân xanh nổi dưới da, tĩnh mạch bị giãn nhiều.
“Tại Việt Nam ước tính, hiện có khoảng 25 - 30% dân số mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới, phần lớn bệnh nhân là nữ giới với độ tuổi từ 35 trở lên. Để điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bệnh nhân thường phải phẫu thuật rất phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn, để lại sẹo trong khi phương pháp can thiệp nội mạch sẽ không gây đau đớn, không để lại sẹo, người bệnh có thể xuất viện sau can thiệp từ 1 đến 2 ngày, lại không gây biến chứng và gần như không tái phát.
Bác sĩ siêu âm mạch cho bệnh nhân trước khi tiến hành can thiệp
Có đến 77,6% các bệnh nhân không biết mình mắc bệnh. Thậm chí, họ còn ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng. Điều này dẫn đến những hậu quả rất khó lường, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, các bác sĩ khuyến khích bệnh nhân có nguy cơ cao về suy tĩnh mạch như phụ nữ trong độ tuổi 35-50, làm công việc đứng lâu, ngồi lâu và đang có triệu chứng sớm như đau, sưng, nặng chân về chiều, chuột rút về đêm nên đến Bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm. Tùy vào cấp độ của bệnh mà các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp khác nhau: điều trị bệnh dùng thuốc hoặc phẫu thuật chích xơ, rút bỏ tĩnh mạch bị giãn, suy...
Trước đây, để điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bệnh nhân thường phải phẫu thuật rất phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn, ảnh hưởng thẩm mĩ do để lại sẹo. Vì thế, Khoa Nội Tim mạch - Bệnh viện ĐK tỉnh lần đầu tiên ứng dụng thành công kỹ thuật can thiệp nội tĩnh mạch bằng Laser để điều trị suy tĩnh mạch chi dưới. Kỹ thuật này không gây đau đớn, điều trị triệt để, không để lại sẹo cũng như không gây biến chứng cho người bệnh.
Phương pháp Laser nội mạch đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, số lượng các Bệnh viện áp dụng phương pháp này còn ít, tại miền Bắc hiện có Bệnh viện ĐK tỉnh là một trong số rất ít những Bệnh viện bước đầu triển khai thành công phương pháp này”, BS Nguyễn Thành Lê – Trưởng khoa Nội TM, Bệnh viện ĐK tỉnh Vĩnh Phúc giải thích.
Bác sĩ Bệnh viện ĐK tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành can thiệp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới cho người bệnh
Bệnh nhân P.T.D phát hiện giãn các tĩnh mạch chi dưới bên phải từ nhiều năm, khi đứng lâu hay đi lại rất đau, tức. Bệnh nhân D đã đến khám tại Bệnh viện ĐK tỉnh Vĩnh Phúc. Căn cứ vào kết quả thăm khám và siêu âm mạch cho bệnh nhân, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân D bị suy tĩnh mạch chi dưới bên phải mức độ nặng. Với trường hợp này, các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị mới căn bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới mà không cần phẫu thuật ở BV Đk tỉnh: kỹ thuật can thiệp nội mạch bằng Laser.
Ngày 20/3/2019, dưới sự hướng dẫn của Viện Tim Hà Nội mà trực tiếp là Bs Nguyễn Văn Tình, kíp can thiệp của Bệnh viện ĐK tỉnh đã tiến hành can thiệp thành công bệnh nhân suy tĩnh mạch chi dưới bằng Laser nội mạch. Với kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ được dùng phương pháp nhiệt nội tĩnh mạch đốt và loại bỏ hoàn toàn tĩnh mạch suy và các tĩnh mạch giãn. Sau 1,5 giờ đồng hồ thực hiện can thiệp người bệnh đã đi lại được và xuất viện luôn trong ngày.
Bs Nguyễn Thành Lê cũng khuyến cáo, nếu không phát hiện sớm để điều trị phù hợp, bệnh giãn tĩnh mạch chân sẽ có những biến chứng là sự hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, các cục máu này có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác, trong đó nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.