Đại tràng là cơ quan cuối cùng của ống tiêu hóa và cũng là cơ quan dễ xuất hiện nhất các khối u trực tràng. Thông thường sẽ là các khối u lành tính, tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp các khối u này sẽ phát triển thành ác tính và gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
|
Cấu tạo và vị trí của Đại tràng |
Anh Tạ Ngọc Th. (37 tuổi – Mê Linh, Hà Nội) được chẩn đoán u ác trực tràng và nhập viện điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp (BV ĐKT).
Qua thăm khám và nội soi đại tràng các bác sĩ phát hiện ở cách hậu môn ~ 5cm có 1 khối U sùi nhiễm cứng gây hẹp tương đối lòng trực tràng đèn soi vẫn qua được, khối sùi dễ chảy máu khi chạm đèn soi. Do vậy, người bệnh Th. được chẩn đoán u ác trực tràng và được chỉ định nhập viện điều trị.
|
Hình ảnh khối u của người bệnh |
Tại khoa Ngoại tổng hợp, người bệnh đã được hội chẩn và đưa ra phương pháp điều trị là phẫu thuật cắt toàn bộ đại trực tràng, nối ngay ruột non - ống hậu môn. Đây là một phẫu thuật được xếp loại đặc biệt, trước đây chỉ thực hiện được ở tuyến Trung ương. Cụ thể: Phẫu thuật viên cắt toàn bộ u và cân quanh trực tràng (total mesorectal excision - TME), bảo tồn cơ thắt, khâu - nối đại tràng - ống hậu môn điều trị ung thư trực tràng thấp.
Sau khi phẫu thuật 8 ngày, tình trạng phục hồi của người bệnh ổn định, hiện đã được ra viện. Hướng điều trị tiếp theo sẽ chuyển sang giai đoạn điều trị hoá chất tại Bệnh viện.
|
Hậu môn nhân tạo đặt trên bụng người bệnh |
Trước đây, đối với những trường hợp bị u ác đại tràng thì phương pháp điều trị là: phẫu thuật cắt cụt đại tràng và đặt hậu môn nhân tạo trên bụng vĩnh viễn, với người bệnh thì đây là nỗi lo, sự ám ảnh. Bởi việc mang hậu môn nhân tạo trong suốt phần đời còn lại đã gây không ít những khó khăn, bất cập cho sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Thông thường, khi đi đại tiện, phân được thải ngay vào nhà vệ sinh, nhưng với những bệnh nhân phải mang hậu môn nhân tạo thì nhà vệ sinh chính là chiếc túi nilon gắn ngay trên thành bụng của mình. Hơn nữa, hậu môn nhân tạo còn là nguyên nhân gây ảnh hưởng tâm lý khi bệnh nhân tiếp xúc với những người bình thường ngoài xã hội. Thấu hiểu được tâm lý của người bệnh cùng với sự phát triển kỹ thuật trong điều trị ung thư trực tràng phương pháp phẫu thuật cắt toàn bộ trực tràng, nối đại tràng ống hậu môn sẽ giúp người bệnh không cần đặt hậu môn nhân tạo.
|
Thạc sĩ Đặng Tiến Ngọc cùng người bệnh Tạ Ngọc Th. trước giờ xuất viện |
Theo Thạc sĩ Đặng Tiến Ngọc (khoa Ngoại tổng hợp) cũng là người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho người bệnh thì: Khó khăn lớn nhất trong phẫu thuật ung thư trực tràng là đảm bảo cắt triệt để khối u nhưng đồng thời phải bảo tồn được cơ thắt hậu môn, tránh cho bệnh nhân khỏi phải mang hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Sẽ rất khó khăn để đạt được cả 2 mục tiêu này trong trường hợp khối u trực tràng nằm ở 1/3 dưới (khoảng cách từ bờ dưới khối u tới mép hậu môn ≤ 5cm). Để thu được một đường cắt không còn tế bào ung thư, khoảng cách tối thiểu của đường cắt dưới tới bờ dưới khối u phải đạt ít nhất là 2cm .
Với các kỹ thuật thông thường bằng phẫu thuật nội soi hay mổ mở đường bụng, để đạt được khoảng cách này, phẫu thuật viên rất khó có thể bảo tồn được cơ thắt hậu môn, thực hiện được miệng nối trực tràng cực thấp trong một khoang chậu chật hẹp. Tuy nhiên với sáng kiến trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên đã cắt được toàn bộ khối u mà vẫn giữ được hậu môn cho người bệnh,
Có thể nói, đây là một bước tiến mới trong việc điều trị ung thư đại tràng cho người bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Điều này mở ra rất nhiều cơ hội chữa trị cho người bệnh, giúp người bệnh được an tâm về mặt tinh thần cũng như giảm được thời gian, công sức và chi phí khi điều trị.