Bệnh vảy nến là bệnh mạn tính (kéo dài) không lây, có thể gặp mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở người lớn từ 20 – 30 tuổi và từ 50 – 60 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ tương đương nhau. Hầu hết, người bệnh vảy nến chỉ bị ảnh hưởng bởi các mảng nhỏ trên da nhưng một số trường hợp, các mảng vảy nến có thể gây ngứa hoặc đau.
*Cố vấn chuyên môn: BSCKI. Dương Thị Hường – Phó trưởng khoa Da Liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Bệnh vảy nến là bệnh mạn tính (kéo dài) không lây, có thể gặp mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở người lớn từ 20 – 30 tuổi và từ 50 – 60 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ tương đương nhau. Hầu hết, người bệnh vảy nến chỉ bị ảnh hưởng bởi các mảng nhỏ trên da nhưng một số trường hợp, các mảng vảy nến có thể gây ngứa hoặc đau.
Nguyên nhân của bệnh vảy nến
Nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến chưa rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng cho rằng bệnh vảy nến có liên quan đến rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền, thương tổn bùng phát khi gặp những yếu tố thuận lợi:
- Yếu tố di truyền: bệnh vảy nến thường gặp ở những người có HLA-B13, B17, BW57 và CW6. Đặc biệt gen HLA-CW6 gặp ở 87% người mắc bệnh vảy nến.
- Cơ chế miễn dịch: nhận thấy có sự thay đổi miễn dịch ở bệnh vảy nến. Các tế bào miễn dịch được hoạt hóa tiết các hoạt chất sinh học có tác dụng thúc đẩy tăng sinh, làm rối loạn quá trình biệt hóa tế bào sừng.
- Các yếu tố thuận lợi như stress ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần; tiền sử người bệnh mắc các bệnh mạn tính, bị chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc sử dụng thuốc. Đặc biệt là đối với các đã dùng corticoid, các loại đông, nam dược không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần và chưa được đánh giá hiệu quả trong điều trị bệnh; có tiền sử rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa hoặc nghiện rượu.
Triệu chứng bệnh vảy nến
Triệu chứng bệnh vảy nến nói chung là xuất hiện những mảng dày, đỏ được bao phủ bởi các vảy trắng hoặc bạc. Bên cạnh đó, tuỳ thuộc vào vị trí xuất hiện và đặc điểm của các tổn thương, các triệu chứng riêng biệt theo từng dạng bệnh có thể kể đến như sau:
- Bệnh vảy nến mảng bám (bệnh vảy nến thông thường), chiếm khoảng 90% trường hợp. Vảy nến thường xuất hiện dưới dạng các mảng màu đỏ có vảy trắng ở mặt sau cẳng tay, cẳng chân, vùng rốn và da đầu. Bệnh gây các mảng da khô, ngứa, nổi lên (mảng bám) phủ đầy vảy. Các mảng khác nhau về màu sắc, tùy thuộc vào màu da.
- Bệnh vảy nến thể giọt (bệnh vảy nến Guttate) có tổn thương các đốm nhỏ hình giọt nước có vảy trên thân, cánh tay hoặc chân. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở thanh niên và trẻ em. Bệnh thường được kích hoạt bởi nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn. Bệnh vảy nến thể giọt thường khởi phát do nhiễm trùng liên cầu (miệng họng hoặc quanh hậu môn) và thường xảy ra 1-3 tuần sau khi nhiễm trùng. Bệnh thường thấy nhất ở trẻ em và thanh niên.
- Bệnh vảy nến mụn mủ hiếm gặp, biểu hiện dưới dạng mụn nước nhỏ, không nhiễm trùng, chứa đầy mủ, gây ra các vết phồng rộp có mủ rõ ràng. Vảy nến có thể lan rộng hoặc trên các khu vực nhỏ của lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
- Bệnh vảy nến nghịch đảo (bệnh vẩy nến đảo ngược, bệnh vảy nến nếp) hình thành các mảng đỏ trên các nếp gấp trên da (háng, mông, vú, xung quanh bộ phận sinh dục). Nhiệt độ, chấn thương và nhiễm trùng có vai trò trong sự phát triển của dạng vảy nến không điển hình này. Người bị bệnh xuất hiện các mảng da bị viêm mịn trở nên tồi tệ hơn khi ma sát và đổ mồ hôi.
- Bệnh vảy nến đỏ da toàn thân ít phổ biến, xảy ra khi ban lan rộng và có thể phát triển từ bất kỳ loại vảy nến nào khác. thường liên quan đến hơn 90% diện tích bề mặt cơ thể. Da người bệnh có thể khô, ngứa, sưng và đau nghiêm trọng. Vảy nến đỏ bao phủ toàn bộ cơ thể bằng phát ban bong tróc có thể ngứa hoặc bỏng dữ dội. Bệnh có thể tồn tại trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc dài hạn (mạn tính).
- Bệnh vảy nến móng tay khiến móng tay và móng chân bị rỗ, móng phát triển bất thường và đổi màu. Móng bị vảy nến có thể lỏng ra và tách khỏi nền móng (nấm móng), nếu nặng hơn có thể khiến móng vỡ vụn.
- Bệnh vảy nến trẻ sơ sinh (vảy nến thể tã) với đặc điểm xuất hiện các sẩn đỏ có vảy bạc ở vùng quấn tã ở trẻ em, có thể kéo dài đến thân hoặc tay chân.
- Bệnh vảy nến ở miệng rất hiếm gặp, có thể không có triệu chứng, tồn tại dưới dạng các mảng màu trắng hoặc vàng xám. Nứt lưỡi là phát hiện phổ biến nhất ở những người bị bệnh vảy nến miệng.
- Bệnh vảy nến tiết bã thường biểu hiện dưới dạng các mảng đỏ có vảy nhờn ở những vùng sản xuất nhiều bã nhờn như da đầu, trán, nếp gấp da cạnh mũi, da quanh miệng, da trên ngực phía trên xương ức và nếp gấp da.
Điều trị bệnh vảy nến
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Tuy nhiên nếu vận dụng và phối hơp tốt các phương pháp điều trị có thể duy trì được sự ổn định của bệnh, hạn chế được các đợt bùng phát, cải thiện được chất lượng cuộc sống người bệnh.
- Điều trị tại chỗ: thường được sử dụng cho các trường hợp bệnh nhẹ hoặc trung bình, có thể được kết hợp với các phương pháp khác để tăng hiệu quả điều trị. Các loại thuốc thường được sử dụng thoa tại chỗ như: Dithranol, anthralin, Calcipotriol (dẫn chất của vitamin D3), corticoid, Vitamin A axít, Kẽm oxit,…
- Điều trị toàn thân: thường được sử dụng trong các trường hợp bệnh vảy nến nặng. Các thuốc thường được bác sĩ chỉ định bao gồm: methotrexate, cyclosporine, sulfasalazine, Sinh học trị liệu (biotherapy), Corticoid và 1 số loại giúp nâng cao thể trạng của người bệnh như vitamin B12, vitamin C, …
- Quang trị liệu: phương pháp này sử dụng tia sáng như tia UVA, UVB, PUVA (Psoralen phối hợp UVA), laser để điều trị vảy nến. Các tia tử ngoại (tia UV) sẽ tấn công và gây tổn thương các DNA trong tế bào, từ đó tiêu diệt các tế bào ở vùng da bị tổn thương.
- Sử dụng thuốc sinh học có tác dụng ức chế những thành phần chuyên biệt trong đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên giá thành của các loại thuốc này hiện nay vẫn còn rất đắt nên chưa được sử dụng rộng rãi.
Phòng ngừa bệnh vảy nến
Để hạn chế diễn tiến bệnh vảy nến, phong cách sống và thói quen sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt cần lưu ý những điều sau:
- Uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc.
- Bảo vệ cơ thể tránh khỏi tia cực tím trong ánh nắng mặt trời: Nên hạn chế đi ra ngoài khi trời nắng nóng và đảm bảo cho làn da của bạn được bảo vệ tốt nhất bằng cách mặc áo khoác, bao tay, khẩu trang, mũ nón, kem chống nắng,…
- Giữ gìn vệ sinh da và thân thể.
- Khám da liễu định kỳ.
- Chăm sóc da cẩn thận, tránh để da bị khô và tổn thương: Không tắm nước quá nóng, lựa chọn những sản phẩm chăm sóc da đảm bảo chất lượng, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, nên ưu tiên sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên. Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm khi thời tiết chuyển lạnh để cung cấp độ ẩm cần thiết cho da.
- Nên đi khám nếu có dấu hiệu của nhiễm khuẩn da, thấy mụn mủ trên da, đặc biệt có kèm sốt, đau nhức cơ hoặc sưng tấy.
- Giữ trạng thái tinh thần ổn định, không để bị trầm cảm hay lo lắng quá mức.
- Không sử dụng thuốc lá, rượu bia
- Nên tránh các thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ.
- Bổ sung thực đơn với thức ăn có chứa acid folic và omega-3.
Để đặt lịch khám và điều trị các bệnh về Da liễu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc xin vui lòng liên hệ qua các cách sau:
Gọi điện đến số tổng đài (miễn phí) 1800.96.96.26
(Thời gian đăng ký từ 7:00 đến 21:00 hàng ngày).
Hoặc đăng ký online tại http://khambenh.dakhoavinhphuc.com/
Tải và đặt lịch khám tự động trên App BVĐK Vĩnh Phúc để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng!
Tác giả: Trần Sang