Ngày 24/7/2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận 02 trường hợp bệnh nhân là cụ Vũ Thị Th. (92 tuổi, Thổ Tang - Vĩnh Tường) và cụ Kiều Thị T. (87 tuổi, Yên Phương - Yên Lạc). Đặc điểm chung của người bệnh là tuổi cao, thể trạng yếu và có kèm theo nhiều bệnh như viêm phổi, suy tim, tâm phế mạn… Cả hai cụ đều được chẩn đoán rối loạn nhịp chậm và được đặt máy tạo nhịp tạm thời để cấp cứu nhằm ổn định nhịp tim trước khi có hướng điều trị tiếp theo.
Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập không đều hoặc quá chậm hoặc quá nhanh, có thể do bẩm sinh, do tuổi già, tổn thương tim sau nhồi máu cơ tim, rối loạn về thần kinh cơ, biến chứng sau phẫu thuật tim hở điều trị bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh… Những trường hợp bệnh nặng khiến trái tim hoạt động không hiệu quả, không cung cấp đủ máu cho cơ thể có thể đưa đến các dấu hiệu và triệu chứng như mệt mỏi, ngất, khó thở, lú lẫn… để cải thiện hoạt động của trái tim thì cần đến sự hỗ trợ của chiếc máy tạo nhịp. Chính vì vậy, Bác sĩ sẽ thực hiện đặt máy tạo nhịp cho những trường hợp cần thiết, phổ biến nhất là nhịp tim chậm (tình trạng tim đập chậm hơn bình thường) và nghẽn dẫn truyền tim (tình trạng xung điện truyền trong tim chậm hơn bình thường hoặc bị tắc nghẽn). Đồng bộ hoạt động điện giữa buồng nhĩ và buồng thất, giúp buồng thất co bóp hiệu quả và ngăn ngừa các rối loạn nhịp nguy hiểm.
|
Hình ảnh máy tạo nhịp được chụp bằng DSA |
Đối với hai trường hợp người bệnh trên sau khi thăm khám và hội chẩn các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch quyết định can thiệp bằng phương pháp “Đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn” nhằm làm tăng nhịp tim ở những trường hợp nhịp chậm, giúp điều khiển nhịp tim khi nhịp tim chậm. Dưới sự chuyển giao kỹ thuật từ Th.s Bs nội trú Nguyễn Văn Dần (Bệnh viện Tim Hà Nội), ê kíp các bác sĩ thuộc đơn nguyên Can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc) do Ths. Bs Khổng Đình Kỷ thực hiện chính đã tiếp nhận thành công và làm chủ được kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn dưới sự hỗ trợ của hệ thống máy DSA. Kỹ thuật được thực hiện bằng phương pháp đặt máy tạo nhịp dưới nội tâm mạc. Ở phương pháp này, dây điện cực sẽ được luồn qua ống thông trong tĩnh mạch vào trong buồng tim và tiếp xúc với thành trong của tim. Bộ phận điều khiển sẽ được gắn ở dưới da tại ngực hoặc bụng qua một phẫu thuật nhỏ. Tỉ lệ thành công của phẫu thuật đặt máy tạo nhịp rất cao (khoảng 99%) và hiếm khi có trường hợp tử vong.
|
Người bệnh được Bác sĩ theo dõi, kiểm tra sau khi đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn |
Do người bệnh tuổi cao, thể trạng yếu, mắc kèm theo nhiều bệnh khác (viêm phổi, suy tim, tâm phế mạn) nên trong quá trình thực hiện thủ thuật người bệnh xuất hiện cơn kích thích, vật vã vì vậy thời gian thực hiện thủ thuật bị kéo dài hơn bình thường. Tuy nhiên, với trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao, các bác sĩ Can thiệp tim mạch đã đặt thành công chiếc máy tạo nhịp vào cơ thể người bệnh. Sau can thiệp, người bệnh được đưa về khoa Tim mạch để tiếp tục theo dõi, điều trị. Hiện nay, tình trạng người bệnh đã ổn định.
Được biết, đây là hai trường hợp đặt máy tạo nhịp được các bác sĩ chuyên khoa Can thiệp tim mạch trực tiếp thực hiện và đã thành công ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Việc kỹ thuật trên được thực hiện thành công tại tuyến tỉnh đã mở thêm cơ hội điều trị các bệnh lý về tim mạch cho người dân tại Vĩnh Phúc. Từ đây, người bệnh không phải chuyển đến các bệnh viện tuyến Trung ương để điều trị do đó giảm được nhiều chi phí và công sức cho người bệnh và gia đình người bệnh. Đồng thời, kỹ thuật này đã được BHYT chi trả cũng khiến cho người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi điều trị bệnh.
Lưu ý đối với người bệnh khi đặt máy tạo nhịp
- Máy tạo nhịp cần được kiểm tra định kỳ.
- Cần tái khám thường xuyên theo đúng lịch hẹn của bác sĩ (thường 3 - 6 tháng) để được kiểm tra, đánh giá và xử lý kịp thời.