Theo Tổ chức Y tế thế giới, những người có nguy cơ cao mắc bệnh cúm mùa bao gồm: phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, nhân viên y tế.
Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận 1,6-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm. Bộ Y tế cho biết, sử dụng vắc xin cúm là biện pháp dự phòng hiệu quả làm giảm 89% nguy cơ lây nhiễm cúm ở người khỏe mạnh, 78% số ngày nghỉ việc ở những người có độ tuổi làm việc, giảm 57% nguy cơ nhập viện và 67% nguy cơ tử vong ở tuổi già, giảm 85% nguy cơ bị hội chứng cúm và giảm 41% nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em.
Nhận định cán bộ, nhân viên y tế là một trong số các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cúm cao nhất do thường xuyên tiếp xúc với người bệnh mắc bệnh cúm và cũng là một trong những mắt xích liên quan đến việc lây truyền virus cúm sang nhóm người bệnh được họ chăm sóc và điều trị.
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế Vĩnh Phúc, ngày 06 tháng 1 năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức tiêm phòng cúm mùa cho toàn thể cán bộ thầy thuốc và nhân viên y tế của bệnh viện.
Vắc xin cúm là vắc xin an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ của vắc xin là tương đối cao 70-90%. Loại vắc xin cúm đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng là vắc xin IVACFLU-S do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất. Đây là vắc xin cúm mùa bất hoạt tam liên phòng 3 chủng cúm: A/H1N1, A/H3N2 và B, các chủng vi rút này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo năm 2019 – 2020. Vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành vào tháng 01/2019.
Kết thúc đợt tiêm chủng, có 518 cán bộ thầy thuốc và nhân viên y tế được tiêm chủng tăng 29.5% so với năm 2020.
Có thể nói, đây là chương trình vừa thiết thực vừa ý nghĩa đã mang lại sự an tâm, an toàn cho đội ngũ cán bộ y tế, đồng thời phòng ngừa được việc lây nhiễm chéo giữa cán bộ y tế, người bệnh và cộng đồng.
Tác giả: Thành Tuyên