Dinh dưỡng cho người bệnh Hồi sức tích cực - Chống độc có nhiều vấn đề phức tạp và đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của người bệnh, chính vì vậy những người bệnh này có thể cần phải được điều chỉnh lượng protein và thành phần điện giải.
Nhận thấy được tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị người bệnh nặng, ngày 27/9/2022 khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp tổ chức cuộc Hội thảo về chủ đề “Can thiệp dinh dưỡng trong điều trị bệnh nhân nặng”.
Mở đầu buổi hội thảo, ThS.Bs Cao Minh Trường - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: “Dinh dưỡng khoa học có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị cho người bệnh, cùng với các phương pháp điều trị, dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh mau chóng vượt qua bệnh tật. Đây là một phần không thể thiếu trong các biện pháp điều trị tổng hợp. Nếu người bệnh không được điều trị dinh dưỡng đầy đủ bệnh có thể trở nặng và dẫn đến tử vong”.
Với việc không được đáp ứng đủ nhu cầu cho chuyển hóa có thể dẫn tới những hậu quả của suy dinh dưỡng đã được dẫn chứng cụ thể ở rất nhiều nghiên cứu tại các cơ sở y tế trong và ngoài nước. Điều này đã được ThS.Bs Trừ Văn Trưởng - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chia sẻ trong báo cáo, từ đó để thấy được dinh dưỡng không phải là một yếu tố hỗ trợ mà trở thành công tác điều trị. Ngoài ra bác sĩ còn chỉ rõ thực trạng thực hành dinh dưỡng tại bệnh viện nói chung và khoa Hồi sức tích cực - Chống độc nói riêng hiện nay cũng như chỉ ra các mặt hạn chế như : thiếu sót trong nhận định, chẩn đoán các vấn đề về dinh dưỡng, can thiệp dinh dưỡng chưa hợp lý, thiếu tư vấn cho người bệnh trước khi xuất viện,… Hiện nay, dinh dưỡng cho người bệnh trong điều trị vẫn còn chưa thật sự đạt được hiệu quả cao còn do một vấn đề đó là người bệnh và người nhà của người bệnh vẫn còn xem nhẹ việc ăn uống. ĐD.CKI Ngô Thị Thanh Thủy - điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã có báo cáo trong hội thảo tâm lý “ăn cho qua bữa”, “có gì ăn nấy”,... của người bệnh điều này khiến cho tỷ lệ người bệnh bị suy dinh dưỡng tăng cao, làm giảm hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian nằm viện, dẫn đến chi phí điều trị tăng, thậm chí tăng tỷ lệ tử vong.
“Dinh dưỡng không còn là yếu tố hỗ trợ mà dinh dưỡng là công tác điều trị” một lần nữa được ThS.Dinh dưỡng Khổng Thị Thúy Lan đã nhấn mạnh lại, và để làm được điều đó thì việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh một cách chính xác là một bước không thể thiếu. Chia sẻ đến toàn bộ các y bác sĩ, điều dưỡng viên tham gia hội thảo ThS Lan đã đưa ra các công cụ, phương pháp đánh giá tình trạng dinh dưỡng trên người bệnh hồi sức, và hướng dẫn chi tiết cách đánh giá cho từng bộ công cụ, qua đó đưa ra chế độ dinh dưỡng một cách hợp lý nhất nhằm giúp cho người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau một thời gian dài phải nằm hồi sức hoặc thở máy.
Rất mong rằng sau buổi hội thảo các y bác sĩ, điều dưỡng có thể phối hợp với cán bộ khoa Dinh dưỡng thực hiện đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh một cách chính xác, giúp cho khoa Dinh dưỡng chủ động nắm bắt và thiết kế chế độ ăn phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và chăm sóc toàn diện cho người bệnh của bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Tác giả: Trần Sang