Virus hợp bào hô hấp (RSV) là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa Thu – Đông hoặc Xuân – Hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).
Chủ động phòng ngừa lây nhiễm virus hợp bào hô hấp thời điểm giao mùa cho trẻ
*Cố vấn chuyên môn: BSCKI. Nguyễn Thị Hoan – Trưởng khoa Nhi
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa Thu – Đông hoặc Xuân – Hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).
RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh có xu hướng gia tăng và diễn biến nặng ở nhóm trẻ sơ sinh và trẻ có bệnh lý nền.
- Virus RSV là gì? Virus RSV ủ bệnh bao lâu?
RSV là một loại virus phổ biến gây viêm đường hô hấp cấp tính ở trẻ, là nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Thông thường RSV sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, gây viêm niêm mạc đường hô hấp, khiến dịch đờm mũi tiết nhiều, đặc quánh dẫn đến bít tắc đường thở nguy cơ suy hô hấp. Sau khi virus xâm nhập vào tiểu phế quản gây các triệu chứng khò khè, thở nhanh, khó thở.
Thời điểm giao mùa là thời điểm virus phát triển và lây lan mạnh.
Thời gian ủ bệnh của virus RSV thông thường là 4-6 ngày.
- Các yếu tố tăng nguy cơ nhiễm virus RSV ở trẻ
Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm virus RSV ở trẻ, trẻ nhiễm bệnh thường sẽ có diễn biến nghiêm trọng và nguy cơ xuất hiện biến chứng cao ỏ nhóm trẻ:
- Trẻ nhỏ hơn 3 tháng.
- Trẻ đẻ non, cân nặng sơ sinh thấp
- Trẻ có tiền sử ngừng thở hoặc tím
- Trẻ có các dị tật bẩm sinh liên quan đến tình trạng thở nhanh, thiếu oxy máu hoặc nhiễm độc như trẻ mắc các bệnh tim, bệnh phổi bẩm sinh,…
- Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, nhất là khói thuốc lá…
- Dấu hiệu nhiễm virus RSV ở trẻ sơ sinh
Sau khoảng vài ngày kể từ khi trẻ bị nhiễm virus RSV, các triệu chứng của bệnh sẽ bắt đầu có biểu hiện ra bên ngoài. Khoảng 1-2 ngày đầu, triệu chứng của bệnh tương tự như cảm cúm: trẻ ho, chảy mũi trong và có sốt. Khoảng 3-5 ngày sau bệnh có xu hướng nặng dần. Từ khoảng ngày thứ 6-7 trở đi, bệnh nhanh chóng thuyên giảm và biến mất. Trẻ thường khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần với chức năng phổi được bình phục tốt.
Một số dấu hiệu nhiễm virus RSV ở trẻ sơ sinh mà cha mẹ cần lưu ý bao gồm:
- Sốt vừa hoặc sốt cao
- Thở khò khè và chảy nước mũi;
- Ho nhiều;
- Đau họng nhẹ;
- Đau tai;
- Thường quấy khóc, không nhanh nhẹn, người mệt mỏi, ngủ không ngon;
- Bỏ bú hoặc bú kém, ăn kém;
- Khó thở: Thở nhanh đi kèm triệu chứng rút lõm lồng ngực;
- Ngưng thở khoảng 15 - 20 giây, thường gặp ở trẻ sinh non và trẻ có tiền sử bệnh ngưng thở;
Hầu hết các trường hợp nhiễm virus RSV không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện bệnh chuyển biến nặng như khó thở, sốt cao hoặc môi và móng chuyển xanh tím, phụ huynh cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.
- Biến chứng trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp
Trẻ em có sức đề kháng và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, do đó, tình trạng trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp rất dễ trở nên diễn biến nhanh và có nguy cơ đối mặt với biến chứng nếu không được chăm sóc và hỗ trợ điều trị trẻ đúng cách. Một số biến chứng có thể xảy ra ở trẻ như:
- Suy hô hấp, Viêm phổi, viêm tiểu phế quản;
- Viêm tai giữa
- Hen suyễn
- Một số biến chứng hiếm gặp khác: tràn khí màng phổi, xẹp phổi, ứ khí phổi,…
- Phòng ngừa nguy cơ nhiễm virus RSV như thế nào?
Hiện vẫn chưa có vacxin phòng ngừa virus hợp bào hô hấp. Tuy nhiên, việc thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ bị lây nhiễm RSV hiệu quả. Dưới đây là một số biện pháp phòng chống và ngăn ngừa sự lây lan của virus RSV:
- Vệ sinh tay sạch sẽ cho người chăm sóc trẻ và tập cho trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hắt hơi, xì mũi.
- Dùng khăn giấy che miệng, mũi khi ho và hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy đã sử dụng và thùng rác và rửa tay sạch sẽ.
- Hạn chế cho bé tiếp xúc với những người bị sốt hoặc cảm lạnh, đeo khẩu trang chống khuẩn cho trẻ khi đi đến những nơi công cộng.
- Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn nhà ở, khu vui chơi và đồ chơi của trẻ.
- Hạn chế cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác.
- Tránh cho trẻ khói bụi, nhất là khói thuốc lá.
- Cho trẻ tiêm vacxin đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, đảm bảo trẻ được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng để phát triển khỏe mạnh.
Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh, cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc mà nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý về đường hô hấp mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Hồng Nhung