Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi: Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Quang – Khoa giải phẫu bệnh.
Người bệnh vào viện trong tình trạng loét, sưng nề, chảy dịch mủ ở núm vú bên trái, kèm theo nổi hạch. Khi vào viện người bệnh đã được các Bác sĩ thăm khám và chỉ định thực hiện các xét nghiệm máu, tế bào học tuyến vú, siêu âm, chụp Cắt lớp vi tính, …. Kết quả cho thấy người bệnh có nốt tăng ngấm thuốc kích thước 10x15mm, hố nách trái có nhiều hạch, xét nghiệm tế bào học là ung thư biểu mô tuyến vú.
Sau đó, người bệnh đã được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú, nạo vét hạch. Khi phẫu thuật xong, bệnh phẩm của người bệnh được gửi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh cho kết quả: Ung thư biểu mô tuyến vú xâm nhập típ không đặc biệt, độ 3, kèm bệnh Paget tuyến vú xâm nhập, hạch nách đã di căn.
Vậy bệnh Paget vú là gì? Dấu hiệu của bệnh? Chẩn đoán và điều trị bệnh như thế nào?
Bệnh Paget (Paget Disease-PD) ở vú là gì?
Bệnh Paget là loại ung thư vú với đặc điểm tế bào u là tế bào biểu mô tuyến ác tính (tế bào Paget) trong biểu mô vảy của núm vú có thể xâm nhập vào quầng vú và vùng da lân cận. Bệnh được đặt theo tên của Bác sĩ Sir James Paget (bác sĩ phẫu thuật đồng thời là nhà bệnh học, người đã công bố phát hiện của mình về mối quan hệ giữa phát ban ở núm vú và khối u tuyến vú vào năm 1874).
Paget thường kết hợp với ung thư biểu mô tuyến vú, phần lớn là ung thư biểu mô xâm nhập độ cao típ không đặc biệt (high-grade invasive carcinoma, non special type) chiếm tỉ lệ (53 - 60%) hoặc ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS) (24 - 43%), u có thể gặp ở trung tâm, ngoại vi hoặc đa ổ của vú. Bệnh Paget đơn độc thường rất hiếm.
Dấu hiệu của bệnh paget vú?
Phần lớn người bệnh có biểu hiện lâm sàng với những thay đổi ở núm vú khởi phát chậm. Khoảng 85–98% người bệnh có biểu hiện thay đổi dạng chàm hoặc ban đỏ núm vú. Ngoài ra còn có thể chảy dịch núm vú, có máu hoặc không có máu, loét hoặc đảo ngược. Bệnh diễn biến kéo dài khi người bệnh tự sờ thấy u vú thường ung thư đã xâm lấn.
Ít gặp hơn: núm vú chảy máu, đau, co rút hoặc không có thay đổi nào có thể xác định được trên lâm sàng ở núm vú.
Có thể xuất hiện dưới dạng dát sắc tố và có thể bị nhầm lẫn với khối u ác tính. Những thay đổi bắt đầu ở núm vú/quầng vú và có thể thoái lui một cách tự nhiên hoặc tiếp tục tiến triển khi lan vào da vú.
Nam giới khi mắc bệnh cũng có biểu hiện lâm sàng tương tự như phụ nữ. Những biểu hiện này có thể bị nhầm lẫn với bệnh viêm da hoặc nhiễm trùng, dẫn đến chẩn đoán muộn.
Chẩn đoán bệnh Paget vú
-
Thăm khám lâm sàng: dựa trên vị trí tổn thương, đặc điểm tổn thương.
-
Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, x-quang, chụp cộng hưởng từ tuyến vú.
-
Giải phẫu bệnh: xét nghiệm tế bào học, xét nghiệm mô bệnh học, hoá mô miễn dịch.
Chẩn đoán phân biệt Paget vú với các bệnh lý ngoài da như: vảy nến, nấm da, chàm núm vú, bệnh Bowen, u hắc tố...
Bệnh Paget vú điều trị thế nào?
Khi bị bệnh Paget vú thì phương pháp điều trị chính là phẫu thuật, các Bác sĩ sẽ tư vấn thực hiện 2 phẫu thuật sau:
-
Phẫu thuật cắt bỏ khối u vú: Bác sĩ sẽ mổ để loại bỏ núm vú, quầng vú, một phần hình nón của vú bị bệnh. Các mô u được cắt rộng rãi để chắc chắn rằng những tế bào ung thư được loại bỏ hoàn toàn.
-
Phẫu thuật cắt bỏ vú: khi bị xâm lấn do ung thư vú, Bác sĩ sẽ yêu cầu cắt bỏ toàn bộ tuyến vú. Nếu hạch bạch huyết cũng bị di căn thì bác sĩ cũng sẽ nạo vét để lấy bỏ các hạch này.
-
Sau phẫu thuật, có thể sẽ tiến hành hóa trị, xạ trị, liệu pháp hormone để phòng ngừa ung thư vú tái phát. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào tình giai đoạn bệnh, bản chất khối u có thụ thể estrogen/progesterone hay không.
Có tới 98% trường hợp bệnh Paget vú kết hợp với ung thư vú. Do đó, người bệnh cần hết sức lưu ý, không nên chủ quan với căn bệnh này. Bệnh lại rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý ngoài da khác nên khó phát hiện, thời gian phát hiện bệnh chậm. Rất nhiều phụ nữ chỉ đi khám khi bệnh đã tiến triển quá nặng, ung thư vú đã phát triển. Nếu để lâu, ung thư di căn thì rất khó để điều trị, khả năng tử vong cao.
Tiên lượng cho người bị bệnh Paget vú phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giai đoạn phát hiện bệnh, có khối u trong vú hay không... Nếu không có khối u thì tiên lượng sẽ tốt hơn, tỷ lệ sống 10 năm khoảng 80 - 90%. Nhưng nếu có khối u, ung thư biểu mô tuyến vú xâm nhập thì tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh là khoảng 40% và tỷ lệ sống 10 năm chỉ khoảng 20%.
Để phòng bệnh ung thư vú, chị em phụ nữ cần cảnh giác với các tổn thương ở vùng núm vú, quầng vú, kể cả những tổn thương rất nhỏ nhưng kéo dài. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ tiến hành chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tác giả: Trần Sang