Ghi nhận tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, tại đây tiếp nhận rải rác bệnh nhân đến khám, điều trị. Mỗi ngày tiếp nhận 2 đến 4 trường hợp khám phát hiện bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp này đều được tư vấn kê đơn mua thuốc về điều trị tại nhà.
Chị Hoàng Thị D (Tích Sơn, Vĩnh Yên) có con 4 tuổi bị thủy đậu đang khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ: “Cách đây 1 tuần bé vẫn chơi đùa bình thường chỉ bị ho, sổ mũi nhẹ...tôi nghĩ đó là những triệu chứng cảm cúm thông thường nên chủ quan không cho con đi khám. Sau đó, thấy xuất hiện một vài nốt đỏ ở đầu nhưng tôi cũng không để ý, đến khi tắm cho con mới thấy trên cơ thể con xuất hiện nhiều nốt nhỏ, đưa con đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, tại đây các bác sĩ đã khám và chẩn đoán con tôi mắc bệnh thủy đậu”.
Khi được chúng tôi hỏi chị D có thông tin lại: “Tôi đã đưa con đi tiêm chủng đầy đủ các mũi vacxin theo chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia cũng như các mũi thêm ngoài như: Sởi- Quai bị- Rubella, thủy đậu…”. Lý giải về điều này, Bác sĩ Hoàng Hữu Việt – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Khi tiêm vắc-xin phòng thủy đậu, hiệu lực cao cũng chỉ 90%, còn 10% là không miễn dịch với vắc-xin. Có thể trẻ được tiêm phòng mà vẫn bị thủy đậu là nằm trong số 10% này. Bởi vậy, khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bất thường như: sốt, quấy khóc, người nổi nhiều nốt phỏng nước thì trước hết, cần phải đưa trẻ đi khám để xác định xem trẻ có đúng là mắc bệnh thủy đậu không.
Thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng cần được phát hiện sớm và chăm sóc chu đáo nếu không biến chứng sẽ rất nguy hiểm
Ngoài ra Bác sĩ Hoàng Hữu Việt cũng khuyến cáo thêm về con đường lây nhiễm của bệnh thủy đậu: Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua các đồ vật. Khi khởi phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin đều cảm nhiễm với bệnh, thường xảy ra vào mùa đông xuân.
Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.
Khi mắc bệnh thủy đậu, nên:
- Vệ sinh ngoài da, tắm rửa sạch sẽ, bôi xanh methylène, không sử dụng gốc rạ để tắm hoặc dùng các loại lá để đắp lên vì có thể gây bội nhiễm. Cắt móng tay cho trẻ để trẻ khỏi gãi hoặc làm xước da.
- Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa.
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
- Trong trường hợp nặng thì phải nhập viện.
Để phòng lây lan, cần cách ly người bệnh ít nhất 1 tuần. Phụ nữ đang mang thai tuyệt đối tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh này.
Tác giả: Thu Thủy