*Cố vấn chuyên môn: ThS. BS Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc
Nội soi dạ dày là một trong những thủ thuật phổ biến nhất trong y học tiêu hoá hiện đại. Tuy nhiên, không ít người bệnh vẫn lưỡng lự vì sợ đau, lo ngại chi phí hoặc đơn giản là… “đợi thêm xem sao”. Vậy, khi nào thực sự cần nội soi dạ dày? Có phải cứ đau bụng là nên làm? Và nội soi có thể phát hiện sớm được những gì? Để trả lời cho những câu hỏi này xin mời các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây!
Khái niệm nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày (nội soi tiêu hoá trên) là phương pháp sử dụng một ống mềm nhỏ có gắn camera để quan sát trực tiếp thực quản, dạ dày và tá tràng. Nhờ đó, bác sĩ có thể phát hiện sớm các tổn thương niêm mạc như viêm, loét, polyp, dị sản hoặc ung thư sớm – những hình ảnh học thông thường không thể thấy rõ.
Ngày nay, nội soi có thể được thực hiện qua đường miệng hoặc mũi, có gây mê hoặc không gây mê, tuỳ nhu cầu và chỉ định cụ thể của người bệnh.
Khi nào nên nội soi dạ dày?
Theo các chuyên gia tiêu hoá, không phải ai đau bụng cũng cần nội soi, nhưng có một số tình huống bắt buộc phải làm sớm để tránh bỏ sót các bệnh lý nguy hiểm:
1. Triệu chứng tiêu hoá kéo dài không rõ nguyên nhân:
• Đau thượng vị lặp đi lặp lại
• Ợ chua, nóng rát ngực, buồn nôn sau ăn
• Cảm giác đầy bụng, chán ăn
Nếu các triệu chứng này kéo dài >2-4 tuần và không đáp ứng thuốc thông thường, nội soi nên được chỉ định.
2. Có các dấu hiệu báo động:
• Sụt cân không rõ nguyên nhân
• Nôn ói kéo dài, đặc biệt là nôn ra máu
• Đi ngoài phân đen hoặc có máu
• Khó nuốt tăng dần
• Thiếu máu chưa rõ lý do
Đây là nhóm bệnh nhân bắt buộc phải nội soi sớm để loại trừ loét tiến triển, dị sản niêm mạc hoặc ung thư tiêu hoá.
3. Người có yếu tố nguy cơ cao:
• Tuổi trên 40 (đặc biệt nếu có triệu chứng mới xuất hiện)
• Tiền sử gia đình có ung thư dạ dày
• Nhiễm Helicobacter pylori kéo dài
• Có bệnh nền như xơ gan, viêm dạ dày mạn tính, thiếu máu ác tính
Ở nhóm này, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, nội soi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ là cần thiết.
Nội soi không chỉ để chẩn đoán – mà còn để can thiệp
Ngoài mục tiêu chẩn đoán, nội soi dạ dày còn có thể sinh thiết để xét nghiệm ung thư, diệt vi khuẩn HP, hoặc thậm chí can thiệp điều trị như cắt polyp, cầm máu ổ loét, nong thực quản… Những thủ thuật này giúp can thiệp kịp thời, tránh các biến chứng nặng nề như xuất huyết tiêu hoá, thủng dạ dày hoặc tiến triển ung thư.
Việc trì hoãn nội soi không chỉ làm cho các triệu chứng kéo dài mà còn khiến việc phát hiện sớm ung thư tiêu hoá bị chậm trễ trong khi ung thư giai đoạn sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được can thiệp kịp thời.
Lời khuyên từ bác sĩ
ThS. BS Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Nội soi không đáng sợ như nhiều người nghĩ. Nếu được thực hiện đúng chỉ định, đây là phương pháp rất hiệu quả trong phát hiện bệnh lý tiêu hoá, nhất là các bệnh nguy hiểm như ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm khi bệnh nhân chưa hề có triệu chứng.”
Đừng đợi đến khi “không chịu nổi” mới đi nội soi. Những bất thường dù rất nhẹ nhưng kéo dài cũng có thể là dấu hiệu ban đầu của một vấn đề nghiêm trọng. Hãy lắng nghe cơ thể, chủ động thăm khám, đó là cách bảo vệ sức khoẻ tiêu hoá một cách thông minh và hiện đại.
Trần Sang