Đó là trường hợp người bệnh N.T.H.L vừa được mổ cấp cứu thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Chỉ với 15 phút chạy đua với tử thần để tiến hành khám cấp cứu, đánh giá tình trạng bệnh và hội chẩn để kịp thời phẫu thuật cứu sống sản phụ mang thai 32 tuần bị vỡ tử cung.
Theo chia sẻ của người nhà người bệnh, chị N.T.H.L (sinh năm 2000 trú tại Tân lập, Sông Lô) có tiền sử mổ chửa ngoài tử cung góc sừng phải cuối năm 2019. Hiện nay, chị L mang thai 32 tuần và có theo dõi sức khỏe thai sản ở phòng khám tư nhân nhưng không phát hiện gì bất thường. 01 ngày trước khi vào viện người bệnh có nhiều cơn đau bụng dưới âm ỉ nhưng không để ý. 4h sáng ngày 18/12/2020, người bệnh đau bụng dữ dội nên đã đến Trung tâm y tế huyện Sông Lô khám. Tại đây, qua thăm khám ban đầu, nhận thấy tình trạng sức khỏe của chị L rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng, nên các bác sĩ chuyển tuyến xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu cần đi khám thai định kỳ, quản lý thai nghén tốt
07h25 phút ngày 18/12/2020, người bệnh L được chuyển tuyến đến Bệnh viện ĐK tỉnh Vĩnh Phúc trong tình trạng sốc mất máu rất nặng, da niêm mạc nhợt, mạch nhỏ, khó bắt (huyết áp tụt 60/40mgH), bụng chướng, tràn dịch ổ bụng nhiều. Người bệnh được chẩn đoán bị sốc mất máu do vỡ tử cung khi mang thai 32 tuần. Chỉ trong vòng 15 phút các bác sĩ vừa hồi sức tích cực, vừa hoàn thiện các thủ tục để chuyển phẫu thuật cấp cứu cho sản phụ.
07h40 phút người bệnh đã được gây mê nội quản và phẫu thuật, tử cung bị vỡ một đoạn dài 7cm từ góc phải tử cung tới đáy. Ê kíp gồm các bác sỹ gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu và bác sỹ sản khoa vừa phẫu thuật vừa hồi sức cấp cứu truyền dịch, truyền máu, dùng thuốc trợ tim, vận mạch (Tổng lượng máu và chế phẩm máu được truyền khoảng 2000ml) . Để đảm bảo khả năng mang thai cho sản phụ sau này, các bác sỹ đã cố gắng khâu phục hồi bảo tồn ở mức độ tốt nhất để người bệnh có thể tiếp tục mang thai và sinh con.
Sau 90 phút phẫu thuật, sản phụ qua khỏi tình trạng nguy hiểm. Hiện chị L được chuyển đến Khoa Phụ sản trong tình trạng tỉnh táo, da niêm mạc hồng nhạt, vết mổ khô. Sau phẫu thuật 5 ngày chị L đã ổn định sức khỏe, ăn uống đi lại tốt chờ ngày ra viện. Còn em bé sinh ra nặng 1,8kg đã được chuyển đến khoa Sơ sinh để có chế độ chăm sóc đặc biệt. Sau 7 ngày tình trạng sức khỏe của em bé tốt dần lên, cai thở máy, cai thở sunfac, đang thở oxy..
Bác N.T.H - người nhà chị L cho biết: “Trong lúc tình trạng của con tôi rất nguy hiểm như vậy, chúng tôi cũng rất bối rối không biết phải làm như thế nào. Nhưng được các bác sĩ của Bệnh viện ĐK tỉnh tận tình cứu chữa và đến nay con tôi đã qua khỏi cơn nguy kịch. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy thuốc của Bệnh viện đã cứu chữa cho con tôi. ”
Ths.Bs - Nguyễn Văn Lãi, Phó Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện ĐK tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Trường hợp sản phụ L nói riêng và những trường hợp sản phụ bị vỡ tử cung nói chung cần được phát hiện và xử trí kịp thời nếu không sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Bác sỹ Lãi cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu cần đi khám thai định kỳ để xác định chính xác vị trí làm tổ của thai nhi vì vị trí làm tổ thai rất quan trọng với sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ, quản lý thai nghén tốt. Đặc biệt những trường hợp có vấn đề không bình thường về tử cung phần phụ thì việc có thai trở lại cần thực hiện theo đúng lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa”./.
Tác giả: Thu Thủy
Hiện có 0 nội dung bình luận