Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư ở Mỹ và trên toàn thế giới. Theo GLOBOCAN năm 2022, ở Việt Nam, có khoảng 24.426 người mắc mới và 22.597 người tử vong do ung thư phổi mỗi năm; trong đó 75% người bệnh ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn muộn. Vì vậy, tầm soát ung thư phổi giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị thành công, tiên lượng sống còn tốt hơn.
*CVCM: ThS.BS. Phan Hữu Long, Phó trưởng khoa/Phụ trách khoa YHHN, Trung tâm Ung bướu - YHHN
Tại sao phải tầm soát ung thư phổi?
Mục tiêu của tầm soát ung thư phổi là phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn rất sớm, khi bệnh có nhiều khả năng được chữa khỏi. Vào thời điểm các dấu hiệu và triệu chứng ung thư phổi phát triển, ung thư thường đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị rất phức tạp, tiên lượng sống còn giảm.
Theo số liệu thống kê, có 56% người bệnh ung thư phổi trên thế giới được chẩn đoán ở giai đoạn muộn (IV) - khi bệnh đã di căn. Tại Việt Nam, năm 2022 có 24.426 ca mắc mới và 22.597 người bệnh tử vong do ung thư phổi. Tỷ lệ sống còn 5 năm ước tính sau chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối chỉ 6.3%. Một số trường hợp ung thư phổi có thể điều trị hiệu quả nhờ được chẩn đoán ở giai đoạn sớm hơn.
Các nghiên cứu cũng cho thấy tầm soát ung thư phổi giúp giảm nguy cơ tử vong do ung thư phổi. Trong một thử nghiệm lâm sàng năm 2002 do Viện Ung thư Quốc gia Mỹ thực hiện, các nhà nghiên cứu ung thư phổi đã thử nghiệm trên 53.454 người đang hoặc đã từng hút thuốc trong độ tuổi từ 55 đến 74 với tiền sử hút ít nhất một gói mỗi ngày trong 30 năm. Nghiên cứu cho thấy, những người tham gia được chụp CT liều thấp có cơ hội sống sót cao hơn.
Ai nên tầm soát ung thư phổi?
Tầm soát ung thư phổi giúp phát hiện ung thư phổi ở những người khỏe mạnh có nguy cơ mắc ung thư phổi cao. Theo khuyến cáo mới của Mạng lưới Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCCN) năm 2022, những người có nguy cơ ung thư phổi như các tiêu chí dưới đây nên tầm soát ung thư phổi hàng năm:
Người lớn tuổi đang hoặc đã từng hút thuốc lá: Tầm soát ung thư phổi thường được tiến hành cho những người hút thuốc lá và những người từng hút thuốc từ 50 tuổi trở lên.
Người đã hút thuốc trong nhiều năm: Có thể xem xét tầm soát ung thư phổi nếu có tiền sử hút thuốc 1 gói mỗi ngày trong 20 năm hoặc lâu hơn hoặc hai gói mỗi ngày trong 10 năm hoặc nửa gói mỗi ngày trong 40 năm.
Người từng hút thuốc nhiều nhưng đã bỏ: Nếu là người nghiện thuốc lá nặng trong một thời gian dài và đã bỏ hút thuốc trong 15 năm qua, vẫn nên tầm soát ung thư phổi.
Những người có sức khỏe tổng quát tốt và không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chuwntgs nào của ung thư phổi: Tầm soát ung thư phổi được tiến hành khi sức khỏe tốt, giúp hạn chế biến chứng từ các xét nghiệm chuyên sâu (nếu cần) và việc điều trị hiệu quả hơn.
Người có tiền sử ung thư phổi: Nếu đã được điều trị ung thư phổi cách đây hơn 5 năm. Hoặc người có tiền sử mắc ung thư khác: U lympho, ung thư bàng quang, đầu cổ…
Người hút thuốc lá thụ động ngửi khói thuốc lá từ người khác nhả ra trong thời gian dài.
Những người có các yếu tố nguy cơ khác đối với bệnh ung thư phổi: Bao gồm nam giới trên 55 tuổi, những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi và những người đã tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư trong môi trường làm việc như: amiăng, cadimi, niken, crom, uranium, thạch tín; Phơi nhiễm với Radon.
Việc tầm soát thường không được khuyến nghị cho những người có chức năng phổi kém hoặc các tình trạng nghiêm trọng khác gây khó khăn cho việc phẫu thuật. Bao gồm những người cần bổ sung oxy liên tục, bị sụt cân không rõ nguyên nhân trong năm, ho ra máu gần đây hoặc đã chụp CT ngực vào năm trước đó.
Tầm soát ung thư phổi như thế nào?
Chụp X-quang phổi
Hầu hết các khối u phổi xuất hiện trên tia X dưới dạng một khối màu xám trắng. Tuy nhiên, chụp X-quang ngực không thể đưa ra chẩn đoán chính xác vì thông thường không thể phân biệt giữa ung thư và các tình trạng khác, ví dụ như áp xe phổi (ổ mủ hình thành trong phổi).
Chụp cắt lớp vi tính liều thấp (LDCT - LowDose Computed Tomography) giúp phát hiện bệnh giai đoạn sớm ở người có nguy cơ cao.
Người cần tầm soát sẽ được nằm trên bàn trong phòng chụp CT và được máy CT sử dụng chùm tia X với liều thấp chụp các hình ảnh của phổi theo nhiều hướng khác nhau, qua đó có thể phát hiện sớm tổn thương. Quá trình chụp chỉ mất vài phút.
Không phải ai tầm soát cũng đều mắc ung thư. Nếu có hình ảnh bất thường trên LDCT, bác sĩ sẽ cho làm thêm các kiểm tra thăm dò cần thiết như nội soi phế quản phổi, sinh thiết phổi, xét nghiệm đờm, … để có kết quả chính xác.
Khi được phát hiện và chẩn đoán sớm, người bệnh sẽ có cơ hội điều trị sớm và tối ưu hơn để gia tăng thời gian sống còn và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phát hiện sớm để tăng cơ hội điều trị thành công so với chẩn đoán khi tổn thương đã di căn. Nếu bạn hoặc người thân có các yếu tố nguy cơ ung thư phổi, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, khám và tầm soát kịp thời.
Dự phòng: biện pháp hiệu quả nhất là phòng chống tác hại của thuốc lá.
Tài liệu tham khảo
1.Lung Cancer Early Detection | Lung Cancer Screening. (2024). Cancer.org. https://www.cancer.org/cancer/types/lung-cancer/detection-diagnosis-staging/detection.html
2.Lung Cancer Screening. (2021, August 8). Hopkinsmedicine.org. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/lung-cancer/lung-cancer-screening
3. Who Should Be Screened for Lung Cancer? (2024). https://www.cdc.gov/cancer/lung/basic_info/screening.htm
4.Lung cancer screening – Mayo Clinic. (2022). Mayoclinic.org; https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/lung-cancer-screening/about/pac-20385024
Tác giả: Thành Tuyên