Hành động thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, dung dịch cồn y tế chứa ít nhất 60% cồn, hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn có thể giảm đáng kể sự lây truyền các bệnh hô hấp.
Vì sao cần rửa tay?
Mọi người thường có thói quen đưa tay lên chạm vào mắt, mũi và miệng mà không hề nhận thức được việc này vô hình chung đã giúp vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi và miệng và khiến chúng ta bị bệnh.
Vi khuẩn từ tay chưa được rửa sạch có thể xâm nhập vào thực phẩm và đồ uống trong khi mọi người đang chế biến hoặc ăn. Từ đó, chúng có thể sinh sôi nảy nở mạnh mẽ trong một số loại thực phẩm, đồ uống hoặc trong những điều kiện nhất định và làm cho cơ thể bị bệnh.
Vi khuẩn từ bàn tay chưa được rửa sạch có thể truyền từ tay sang các vật thể khác, như khi bạn nắm tay vịn, chạm sờ hoặc nắm vào mặt bàn hoặc đồ chơi, sau đó chuyển sang tay người khác.
Do đó diệt virus, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác bằng cách rửa sạch tay thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa tiêu chảy, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đặc biệt sự lan truyền của dịch bệnh Covid - 19.
Quy trình rửa tay 6 bước của Bộ Y tế (Theo công văn số 7517/BYT-ĐTr của Bộ Y tế đã ban hành về quy trình rửa tay thường quy)
Khi nào cần rửa tay?
Để phòng ngừa lây nhiễm Covid - 19, chúng ta cần rửa tay sạch hàng ngày đặc biệt vào những thời điểm sau:
Sau khi trở về từ nơi công cộng: Những nơi công cộng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tiếp xúc với nhiều người, cầm nắm vào nhiều vật dụng chung. Vì vậy, cần rửa tay với nước sạch và xà phòng sau khi trở về từ những nơi công cộng để loại bỏ virus dính trên tay, tránh lây lan dịch bệnh cho bản thân cũng như những thành viên khác trong gia đình.
Trước và sau khi ăn uống: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, vì vậy cần rửa tay đúng cách trước khi ăn để tránh virus đi trực tiếp vào cơ thể và sau khi ăn để giữ đôi tay luôn sạch sẽ nếu có cầm, chạm vào thức ăn.
Ngoài ra, trước khi chuẩn bị thức ăn và sau khi xì mũi, ho, hắt hơi, chạm vào động vật và vật nuôi, thay tã lót cho em bé hoặc giúp trẻ đi vệ sinh, xử lý rác thải… cũng cần rửa tay đúng cách để kịp thời loại bỏ virus, vi khuẩn.
5 thời điểm rửa tay khi chăm sóc người bệnh
Trước khi chạm vào một người bệnh
Trước khi thực hiện các công việc làm sạch và vô trùng,
Sau khi tiếp xúc với các dịch cơ thể
Sau khi chạm vào một người bệnh
Sau khi chạm vào các đồ vật xung quanh người bệnh.
Rửa tay như thế nào?
Rửa tay đúng thời điểm là một trong những cách đơn giản để tránh nhiễm bệnh và lây lan vi khuẩn. Nhưng để loại bỏ được virus, vi khuẩn bám trên tay chúng ta cần phải rửa tay đúng cách. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nên rửa tay bất cứ lúc nào khi thấy tay bẩn và thực hiện theo 6 bước đơn giản như sau:
Bước 1: Làm ướt tay bằng nước sạch và xà phòng, chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ ngón tay.
Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay này và lòng bàn tay kia và ngược lại.
Bước 5: Xoay ngón tay cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (làm sạch ngón tay cái).
Bước 6: Xoay các đầu ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Làm sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và lau khô
Chú ý: Lặp lại 5 lần các bước từ 1 đến 6 ít nhất trong vòng 20-30 giây để có “bàn tay sạch”.
Tác giả: Thu Thủy
Hiện có 0 nội dung bình luận