Người bệnh là L.V.N (44 tuổi), trú tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Trước đó khoảng 2 tháng, người bệnh kiểm tra ở vùng bìu thì thấy có khối cứng chắc. Anh đã đi thăm khám tại các bệnh viện khác thì nhận được kết quả là u lành. Tuy nhiên, khi đến với bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, các bác sĩ đã kiểm tra thấy khối u tinh hoàn phải có kích thước lớn hơn bất thường và chẩn đoán ung thư tinh hoàn.
ThS. BSCKII Lê Văn Tuấn - Phó trưởng khoa Ngoại tiết niệu chia sẻ: “Hình ảnh chụp Cộng hưởng từ (MRI) của người bệnh cho kết quả có những khối u có vách, chiếm đến nửa tinh hoàn. Và thường khi tinh hoàn có xuất hiện khối u thì sẽ phát triển thành ung thư. Vậy nên, chúng tôi rất cẩn trọng trong vấn đề làm xét nghiệm, sinh thiết, chụp MRI để xem có xuất hiện hạch bẹn, hạch sau phúc mạc hay là u di căn hay không. May mắn, ở trường hợp người bệnh này, khối u chưa bị di căn hạch hay các bộ phận khác”.
Qua hội chẩn, chúng tôi nhận định phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh N. là phẫu thuật và tiến hành sinh thiết tức thì trong mổ. Trong trường hợp u lành tính, người bệnh chỉ cần lấy u ra và bảo tồn tinh hoàn. Tuy nhiên, nếu là u ác tính thì bắt buộc phải cắt toàn bộ tinh hoàn phải để hạn chế những rủi ro về sau.
Chia sẻ về quá trình phẫu thuật, bác sĩ Tuấn cho biết: “Trong mổ, chúng tôi nhìn thấy rõ có 5 khối u và xuất hiện u tế bào mầm trong tinh hoàn phải. Có khối chỉ là nước và dịch đục với kích thước khác nhau, nhỏ nhất khoảng 7mm, to nhất khoảng 3cm chiếm gần toàn bộ thể tích tinh hoàn phải. Vậy nên, chúng tôi bắt buộc phải tiến hành cắt tinh hoàn trên bẹn để giải quyết triệt để các khối u trong tinh hoàn”.
Sau khi phẫu thuật cắt tinh hoàn, người bệnh tiếp tục được điều trị tại Trung tâm ung bướu - y học hạt nhân với phác đồ điều trị riêng để triệt căn ung thư. Đồng thời, người bệnh cũng cần phải có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và thường xuyên khám định kỳ để đảm bảo sức khỏe.
Theo các hướng dẫn mới nhất từ EAU và "Bệnh Học Nam Học và Y Học Giới Tính," ung thư tinh hoàn thường xuất hiện ở nam giới từ 15 đến 35 tuổi và có thể không có các triệu chứng rõ ràng. Việc tự kiểm tra và sàng lọc thông qua việc sờ nắn khi tắm được đề xuất là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn. Mặc dù ung thư tinh hoàn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số ung thư nam giới, nhưng ảnh hưởng của nó đối với tâm lý và đời sống nam giới là không thể phủ nhận. Sự chú ý đến sức khỏe tinh thần và thực hiện các biện pháp sàng lọc định kỳ có thể giúp tăng cơ hội phát hiện sớm và đạt được tỷ lệ sống sót cao đến 95%.
Chính vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi phát hiện khối đặc, cứng, không đau trong bìu, cần đi khám ngay, thay vì chần chừ, chủ quan. Nam giới từ 15 tuổi nên tập thói quen tự khám tinh hoàn ở nhà thường xuyên, để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường. Không nên vì mặc cảm, tự ti mà bỏ lỡ mất cơ hội điều trị ung thư tinh hoàn từ giai đoạn sớm.
Tác giả: Thành Tuyên