Cố vấn chuyên môn: ThS.BS.Nguyễn Hải Linh - Trưởng khoa Mắt Bán phần trước
Thực trạng bệnh đáng báo động
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 57,5 triệu người mắc Glôcôm trên toàn cầu, và ít nhất 50% không biết mình mắc bệnh. Tại Việt Nam, nghiên cứu "Đánh giá nhanh về các bệnh có thể phòng tránh được năm 2015" cho thấy: 6,5% số người trên 50 tuổi bị mù hai mắt là do glôcôm. Ở một số nước đang phát triển, tỷ lệ người bệnh glôcôm bị bỏ sót chẩn đoán lên đến 90%. glôcôm không có triệu chứng rõ ràng ban đầu, nhưng có thể gây mất thị lực vĩnh viễn nếu không được phát hiện kịp thời.
Triệu chứng cảnh báo bệnh glôcôm
Biểu hiện của glôcôm không giống nhau ở tất cả người bệnh. Một số trường hợp có triệu chứng nhẹ, nhưng cũng có nhiều người hoàn toàn không có dấu hiệu nào cho đến khi thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong đó có một số triệu chứng phổ biến:
- Cảm giác căng tức, nặng mắt thoáng qua
- Đau nhức mắt, đau đầu
- Nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh đỏ
- Buồn nôn, nôn (có hoặc không kèm theo triệu chứng khác)
Tuy nhiên có đến 50% người bệnh không nhận ra mình mắc bệnh cho đến khi đã mất một phần thị lực. Do đó việc khám mắt định kỳ là cách duy nhất để phát hiện sớm glôcôm và bảo vệ thị lực.
Ai có nguy cơ cao mắc glôcôm?
Một số nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:
- Người trên 40 tuổi (Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới)
- Người có tiền sử gia đình mắc glôcôm
- Người gốc châu Á (dễ mắc glôcôm góc đóng), gốc Phi (dễ mắc Glôcôm góc mở)
- Người mắc tật khúc xạ: Cận thị nặng (Nguy cơ cao mắc glôcôm góc mở); Viễn thị (Nguy cơ cao mắc glôcôm góc đóng)
- Người có bệnh lý toàn thân: Đái tháo đường, tăng huyết áp, hội chứng Raynaud, ngừng thở khi ngủ
- Người đã được chẩn đoán hội chứng giả bong bao hoặc hội chứng phân rã sắc tố
- Người sử dụng thuốc corticoid kéo dài: Dùng Medrol để điều trị viêm khớp, bệnh tự miễn; dùng thuốc nhỏ mắt chứa Dexamethasone (Collydexa) để trị ngứa, đỏ mắt mà không có chỉ định của bác sĩ
Do đó cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và sử dụng thuốc hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh glôcôm.
Điều trị và theo dõi glôcôm
Đối với những người bệnh đã được chẩn đoán xác định có glôcôm hiện đang điều trị bằng thuốc; được điều trị bằng laser; phẫu thuật cắt bè củng giác mạc; hoặc đặt thiết bị dẫn lưu hạ áp cần được theo dõi định kỳ để phát hiện các thay đổi kín đáo về nhãn áp, cấu trúc (dây thần kinh thị giác) và chức năng (thị lực, thị trường) từ giai đoạn sớm.
Khoa Mắt Bán phần Trước - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, là một trong những cơ sở y tế chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị glôcôm. Đội ngũ y bác sĩ tại đây được đào tạo bài bản, có chuyên môn cao, đặc biệt trong lĩnh vực phát hiện sớm, kiểm soát và điều trị bệnh lý này. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện đảm bảo khả năng sàng lọc, chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả cho người bệnh glôcôm cũng như những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Đây là địa chỉ đáng tin cậy giúp người bệnh bảo vệ thị lực, ngăn ngừa nguy cơ mù lòa do glôcôm gây ra.
Tác giả: Hiền Mai