Từ lâu, bệnh tăng huyết áp đã được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi đây là căn bệnh xuất hiện và diễn biến thầm lặng, ít triệu chứng hoặc hầu như không có triệu chứng. Nhưng những biến chứng của căn bệnh này gây ra thì lại rất nguy hiểm, từ nhẹ có thể gây suy giảm sức lao động, suy tim, suy thận, mù lòa… đến nặng có thể gây tàn phế hoặc đột tử
*Cố vấn chuyên môn: ThS.Bs Nguyễn Thành Lê
Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp (hypertension) hay cao huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao, áp lực này được tạo bởi sức co bóp của tim và độ đàn hồi của thành mạch máu. Đây là tình trạng tăng liên tục của huyết áp tâm thu lúc nghỉ (≥ 140 mmHg) hoặc huyết áp tâm trương lúc nghỉ (≥ 90 mm Hg), hoặc cả hai. Tăng huyết áp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm: tổn thương tim, mạch máu, não, mắt, thận và nhiều bệnh mạn tính khác; và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do bệnh lý trên toàn cầu.
Tăng huyết áp là một bệnh lý vô cùng phổ biến hiện nay (tỷ lệ mắc ở người trưởng thành khoảng 25 – 30%) và có xu hướng ngày càng gia tăng. Trước đây tăng huyết áp thường chỉ xuất hiện ở những người trung niên đến cao tuổi. Tuy nhiên ngày nay, bệnh tăng huyết áp đã và đang dần trẻ hóa, thậm ý là ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp thường tiến triển trong âm thầm, ít triệu chứng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tăng huyết áp, trong đó chia làm 2 loại là: tăng huyết áp vô căn hay tăng huyết áp nguyên phát, tăng huyết áp thứ phát hay tăng huyết áp có nguyên nhân.
Tăng huyết áp vô căn là những trường hợp bị tăng huyết áp mà không rõ nguyên nhân gây bệnh. Những người nằm trong nhóm này cũng chiếm tỷ lệ phổ biến nhất (> 90%). Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến như bệnh tiểu đường, người nghiện thuốc lá, người ăn quá mặn, người bị thừa cân, béo phì, người ít vận động, thường xuyên gặp phải áp lực, căng thẳng,…
Tăng huyết áp thứ phát là những người bệnh được xác định rõ nguyên nhân gây ra tăng huyết áp (chiếm khoảng < 10% các trường hợp bị tăng huyết áp) và có thể điều trị hiệu quả nếu được nhận biết bệnh sớm. Các nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát thường gặp là: các bệnh lý về thận, chẳng hạn như hội chứng thận hư, suy thận mạn tính, bệnh cầu thận, hẹp động mạch thận, u tuyến thượng thận, các trường hợp mắc bệnh nội tiết như bệnh cường giáp,… Ngoài ra huyết áp cao còn bắt nguồn từ các nguyên nhân khác như: do hội chứng ngưng thở khi ngủ, do tác dụng phụ của thuốc, do bị các bệnh bẩm sinh,…
Những triệu chứng thường thấy ở tăng huyết áp
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng điển hình ở giai đoạn ban đầu. Một số người có thể không nhận thấy dấu hiệu gì cho đến khi xuất hiện biến chứng. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể gặp khi bị tăng huyết áp như: thường xuyên đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi khó thở, đau tức ngực và hồi hộp, trống ngực….
Thế nhưng, có đến gần 50% người bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh, đó là lý do bệnh tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó thường không có triệu chứng rõ ràng, cho đến khi xảy ra biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay suy thận mới được phát hiện để tiến hành điều trị.
Như thế nào thì được gọi là bị tăng huyết áp?
Cách duy nhất để chẩn đoán tăng huyết áp là đo huyết áp. Bạn có thể tự đo huyết áp tại nhà, nhưng để chẩn đoán, đánh giá mức độ bệnh và điều trị thì cần thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện.
Huyết áp bao gồm 2 chỉ số hay dùng, đó là:
- Huyết áp tối đa hay huyết áp tâm thu, bình thường < 140mmHg
- Huyết áp tối thiểu hay huyết áp tâm trương, bình thường < 90mmHg
Được chẩn đoán là tăng huyết áp khi huyết áp tối đa ≥140 mmHg và/ hoặc huyết áp tối thiểu ≥ 90mmHg
Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp, bạn cần tuân thủ theo kế hoạch điều trị của bác sĩ. Mục đích điều trị tăng huyết áp là để duy trì huyết áp trong giới hạn bình thường, nhằm giảm tối đa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cần làm gì khi phát hiện bị tăng huyết áp?
Khi bạn phát hiện bị tăng huyết áp (có thể qua đo huyết áp tại nhà hoặc ở cơ sở y tế), bạn cần được khám chuyên khoa tim mạch. Các bác sĩ sẽ khám, đánh giá loại tăng huyết áp, mức độ tăng huyết áp, nguyên nhân (nếu có), kiểm tra các cơ quan liên quan để tìm biến chứng (nếu có) của tăng huyết áp. Sau đó bạn sẽ được tư vấn về chế độ dùng thuốc hạ áp và theo dõi phù hợp.
Trong hầu hết các trường hợp bị tăng huyết áp, việc dùng thuốc hạ áp là biện pháp lâu dài để đưa huyết áp về mức bình thường. Với bệnh tăng huyết áp vô căn, không có khái niệm điều trị khỏi mà chỉ là điều trị ổn định bằng việc dùng thuốc lâu dài để tránh biến chứng.
Cách phòng tránh bệnh tăng huyết áp
Để phòng ngừa tăng huyết áp, mọi người nên thực hiện lối sống tốt cho sức khỏe từ sớm.
- Duy trì cân nặng lý tưởng (BMI từ 18 - 25),
- Cần phải thay đổi lối sống, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh: ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo, ăn cá, thịt gia cầm, giảm cường độ tiêu thụ muối và chất béo, tăng cường hoạt động thể chất và giảm căng thẳng.
- Hạn chế chất kích thích (café, rượu, bia…), bỏ thuốc lá, thuốc lào…
Có thể thấy tăng huyết áp là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Không có triệu chứng không có nghĩa là chỉ số huyết áp của bạn bình thường. Vì vậy, bạn nên khám sức khỏe định kỳ để được kiểm tra chỉ số huyết áp, cũng như một số bệnh lý khác có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Nếu được chẩn đoán bị tăng huyết áp, bạn cần theo sát điều trị của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà để có thể kiểm soát huyết áp của mình một cách tốt nhất.