Trong những năm gần đây, nhu cầu làm đẹp, cải thiện làn da bằng các phương pháp ít xâm lấn đang gia tăng rõ rệt tại Việt Nam. Sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống và ý thức về hình ảnh cá nhân là những yếu tố góp phần thúc đẩy xu hướng này. Trong bối cảnh đó, liệu pháp Mesotherapy (Meso) đang nổi lên như một lựa chọn điều trị da liễu thẩm mỹ hiệu quả, với ưu điểm là ít xâm lấn, chi phí hợp lý và thời gian hồi phục ngắn.
**CVCM: ThS.BS. Trần Văn Thảo – TK Da liễu.
Bài viết này trình bày tổng quan về liệu pháp Mesotherapy trong da liễu thẩm mỹ, bao gồm cơ chế tác dụng, chỉ định, hiệu quả, biến chứng, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tế tại Khoa Da liễu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Tổng quan về Mesotherapy trong điều trị da liễu thẩm mỹ
Mesotherapy là kỹ thuật tiêm vi điểm các hoạt chất có lợi trực tiếp vào lớp trung bì của da. Phương pháp này được sáng lập bởi bác sĩ Michel Pistor (Pháp) vào năm 1952, ban đầu được ứng dụng trong điều trị các cơn đau mạn tính. Tuy nhiên, kể từ cuối thế kỷ XX, Mesotherapy đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực da liễu thẩm mỹ và y học chống lão hoá.
Các hoạt chất thường sử dụng trong Mesotherapy bao gồm: acid hyaluronic (HA), các vitamin (A, C, E, B5...), peptide, khoáng chất, enzyme, PRP (huyết tương giàu tiểu cầu), và các tổ hợp dưỡng chất chuyên biệt.
- Hyaluronic acid (HA) có thể tích lũy 1000 lần trọng lượng của nó trong nước, giúp giữ được độ ẩm cho da. Tiêm HA trong da cũng kích thích sản xuất collagen mới nguyên vẹn và tăng cường duy trì nguyên bào sợi ở da người. Với tác dụng này người ta gọi là “Tiêm căng bóng”
- Vitamin C: Là chất chống oxy hóa quan trọng giúp tăng tốc tổng hợp AND rất cần thiết trong quá trình tổng hợp Collagen.
- Vitamin A có vai trò quan trọng trong chống oxy hóa của quá trình tái tạo thượng bì và của tế bào sắc tố.
- Vitamin E: điều hòa tái tạo sinh lí da, giúp phục hồi da bị tổn thương
- PRP (huyết tương giàu tiểu cầu): Yếu tố tăng trưởng kích thích liền thương và tái tại mô mới. đây là nguyên lý lõi của PRP trong thẩm mỹ da, chống lão hóa da.
- PDRN/ PN (rejuran, regeskin). Chiết xuất từ cá hồi là chất có nồng độ cao cần thiết cho sự phân chia và hình thành mô, kích thích tiết các yếu tố tăng trưởng…
Những thành phần này được lựa chọn tùy theo tình trạng da và mục tiêu điều trị, nhằm cung cấp độ ẩm, cải thiện cấu trúc nền da, tăng đàn hồi, làm sáng da và làm mờ các nếp nhăn nhỏ.
Chỉ định lâm sàng của Mesotherapy
Với cơ chế tác dụng tại chỗ và khả năng điều chỉnh theo từng cá nhân, Mesotherapy được chỉ định trong nhiều vấn đề da liễu thẩm mỹ, bao gồm:
- Da lão hóa, mất độ đàn hồi, xuất hiện nếp nhăn nhỏ
- Tình trạng tăng sắc tố như nám, tàn nhang
- Sẹo mụn, rỗ, da không đều màu hoặc sần sùi
- Mụn trứng cá, đặc biệt khi phối hợp với các phương pháp khác
- Rụng tóc, nhất là do rối loạn nội tiết hoặc stress kéo dài
- Hỗ trợ hồi phục da sau các thủ thuật như laser, lăn kim, peel hóa học…
Hiệu quả và bằng chứng y văn
Nhiều nghiên cứu quốc tế và trong nước đã ghi nhận hiệu quả của liệu pháp Mesotherapy trong điều trị lão hóa da và tăng sắc tố. Nghiên cứu của Hexsel et al. (2015) cho thấy cải thiện rõ rệt về độ ẩm và độ đàn hồi của da sau 3–4 buổi Mesotherapy kết hợp HA và vitamin C. Một phân tích hệ thống đăng trên tạp chí Aesthetic Plastic Surgery (Lee et al., 2021) đã chỉ ra rằng Meso có hiệu quả trung bình đến cao đối với các tình trạng nám, nếp nhăn nhỏ và làn da thiếu sức sống, với tỷ lệ hài lòng của người bệnh >80%.
Tuy nhiên, hiệu quả của liệu pháp phụ thuộc nhiều vào loại hoạt chất, kỹ thuật tiêm, số buổi điều trị, độ sâu tiêm và tình trạng nền da của từng người bệnh. Do vậy, việc cá thể hóa điều trị và theo dõi sát trong quá trình là yếu tố then chốt.
Tác dụng phụ và biến chứng cần lưu ý
Dù được đánh giá là phương pháp an toàn, Mesotherapy vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ và biến chứng, đặc biệt nếu không tuân thủ quy trình vô trùng nghiêm ngặt. Những tác dụng phụ thường gặp bao gồm:
- Đỏ, sưng nhẹ, châm chích hoặc ngứa tại vùng tiêm.
- Bầm tím, đặc biệt khi tiêm vùng có nhiều mao mạch.
- Phản ứng dị ứng với hoạt chất.
- Sẹo xơ tại vị trí tiêm
Các biến chứng ít gặp nhưng nghiêm trọng hơn có thể bao gồm: nhiễm trùng tại chỗ, u hạt, sẹo xấu hoặc biến dạng mô mềm nếu tiêm sai lớp. Do đó, Mesotherapy chỉ nên được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn sâu, trong điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối.
Triển khai dịch vụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc
Nhận thấy nhu cầu thẩm mỹ chính thống ngày càng tăng cao tại địa phương, từ năm 2023, Khoa Da liễu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức triển khai dịch vụ Mesotherapy trong điều trị da liễu thẩm mỹ. Dịch vụ này được thực hiện trực tiếp bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Da liễu, với nhiều năm kinh nghiệm chuyên môn, cùng hệ thống thiết bị hiện đại và hóa chất có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn y tế.
Qua hơn một năm triển khai, Mesotherapy đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong cải thiện tình trạng da lão hóa, nám mảng và hỗ trợ điều trị rụng tóc, góp phần nâng cao chất lượng sống và thẩm mỹ cho người dân địa phương. Việc đưa phương pháp hiện đại này vào bệnh viện công lập không chỉ giúp người dân tiếp cận dịch vụ chất lượng cao tại chỗ, mà còn giảm tải cho tuyến trung ương, đồng thời mở ra một hướng đi mới trong phát triển y học thẩm mỹ chính quy tại địa phương.
Mesotherapy là một liệu pháp can thiệp xâm lấn tối thiều, ít xảy ra biến chứng, hiệu quả và linh hoạt trong điều trị da liễu thẩm mỹ hiện đại. Với khả năng cải thiện toàn diện về độ ẩm, sắc tố và cấu trúc da, Meso ngày càng được các bác sĩ da liễu ứng dụng rộng rãi. Việc triển khai dịch vụ này tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã khẳng định bước tiến mới trong chăm sóc da liễu thẩm mỹ tại địa phương, tạo điều kiện cho người dân được hưởng dịch vụ chính quy, an toàn và hiệu quả ngay tại tuyến tỉnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Pistor M. The origins of mesotherapy. Am J Mesotherapy. 1958.
2. Hexsel D, Dal’Forno T, Hexsel C. A randomized controlled study of the effectiveness of hyaluronic acid, vitamins and amino acids in mesotherapy for skin rejuvenation. J Cosmet Dermatol. 2015.
3. Lee SJ, Kim YJ, Park JY. Mesotherapy in Aesthetic Medicine: A Systematic Review. Aesthetic Plast Surg. 2021;45(2):785–793.
4. Nguyễn Văn Thường (2022). "Ứng dụng liệu pháp Mesotherapy trong điều trị da lão hóa", Tạp chí Da liễu Việt Nam.
Thành Tuyên