Giấc ngủ có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người trong chúng ta. Ngủ được định nghĩa là một hoạt động xảy ra một cách tự nhiên có chu kỳ, giúp cơ thể phục hồi và chuẩn bị cho một ngày làm việc mới hiệu quả hơn. Một người lớn khỏe mạnh trung bình ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm, thời gian ngủ trung bình giảm dần theo từng lứa tuổi. Một giấc ngủ có chất lượng được xác định khi đủ thời gian, đủ sâu và mang lại cảm giác khỏe khoắn sau khi thức dậy.
Bệnh mất ngủ (tên tiếng anh là insomnia) là tình trạng rối loạn giấc ngủ. Khi mắc bênh mất ngủ sẽ dẫn đến sức khỏe và tinh thần người bệnh giảm sút, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến các hệ cơ quan trong cơ thể như thần kinh, tim mạch. Khi các yếu tố tạo nên một giấc ngủ có chất lượng không được đảm bảo như thời gian ngủ không đủ, khó đi vào giấc ngủ, dễ tỉnh giấc, uể oải khi thức dậy.
Bệnh mất ngủ kéo dài có sức tàn phá đối với cơ thể là rất lớn. Để phòng tránh mất ngủ, trước tiên người bệnh cần hiểu nguyên nhân gây ra mất ngủ kéo dài. Mất ngủ là một trong những “căn bệnh thời đại” mà nhiều người hiện nay đang mắc phải. Mất ngủ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, bệnh tiểu đường, trầm cảm, béo phì,...
Nguyên nhân của bệnh mất ngủ kéo dài
Từ trước đến nay, bệnh mất ngủ hay bệnh mất ngủ kéo dài đều được cho là kết cục của những căng thẳng tâm lý trong cuộc sống nhưng nguyên nhân thực sự của bệnh mất ngủ khá đa dạng. Việc hiểu và xác định được nguyên nhân gây mất ngủ giúp cho quá trình điều trị bệnh mất ngủ được thuận lợi và tăng cơ hội thành công hơn. Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh mất ngủ kéo dài có thể được liệt kê bên dưới:
-
Stress trong công việc và cuộc sống: Đây có thể được xem là nguyên nhân hàng đầu trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Lượng công việc nhiều kết hợp với những áp lực trong cuộc sống rất dễ khiến con người rơi vào trạng thái lo âu, và mất ngủ là một trong những hệ lụy sau đó. Những người trẻ tuổi là đối tượng chính trong nhóm nguyên nhân này.
-
Sử dụng rượu bia, chất kích thích: Các loại đồ uống có cồn như bia rượu hoặc chất uống chứa caffeine như cà phê thường làm hưng phấn hệ thần kinh và dẫn đến hậu quả rối loạn giấc ngủ.
-
Lạm dụng thuốc: một số nhóm thuốc có thể là nguyên nhân của bệnh mất ngủ kéo dài khi bị lạm dụng như thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp, corticoid, thuốc chống trầm cảm,...
-
Lệch múi giờ hoặc thói quen sinh hoạt không hợp lý cũng có thể gây mất ngủ
-
Môi trường sống ô nhiễm, nhất là ô nhiễm tiếng ồn do xe cộ hoặc các công trình đang thi công phá hỏng giấc ngủ của người dân.
-
Bệnh lý: Nhiều bệnh lý mạn tính với các triệu chứng kéo dài, dai dẳng hoặc thường xuyên xuất hiện vào ban đêm có thể làm người bệnh khó chịu và mất ngủ như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, đái tháo đường, tăng huyết áp ... Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến đưa đến bệnh mất ngủ kéo dài, đặc biệt ở nhóm người lớn tuổi.
Tác hại của mất ngủ kéo dài:
Mất ngủ kéo dài ảnh hưởng gì tới tinh thần và cuộc sống sinh hoạt của con người? Dưới đây là một số hậu quả của việc mất ngủ kéo dài như:
-
Ảnh hưởng tới tâm lý: Dễ cáu gắt, bực bội, giảm thích ứng trong cuộc sống…
-
Giảm khả năng tập trung chú ý và ghi nhớ, ảnh hưởng tới năng suất chất lượng công việc và học tập.
-
Giảm thời gian phản ứng: Một người buồn ngủ trong khi lái xe có thể gục đầu chợp mắt trong vài giây mà không hề hay biết – một thời gian vừa đủ để gây tai nạn.
-
Các vấn đề về thăng bằng như dễ mất thăng bằng, dễ té ngã,…
-
Ảnh hưởng tới sức khỏe: Mất ngủ kéo dài gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nguy cơ nhồi máu cơ tim cao, nguy cơ béo phì, đái tháo đường.
-
Ảnh hưởng xấu đến làn da, mái tóc,...
Cách phòng tránh chứng mất ngủ:
Mất ngủ kéo dài có thể xảy ra ở cả người trẻ do căng thẳng liên tục và người lớn tuổi do tuổi tác cùng các bệnh lý đi kèm. Do đó, cần duy trì nhịp sinh học ổn định cũng như một thói quen ngủ tốt có thể giúp phòng ngừa chứng mất ngủ. Ngoài ra, một số biện pháp phòng ngừa tình trạng mất ngủ như:
-
Đi ngủ vào cùng một giờ mỗi đêm và thức dậy vào cùng một giờ vào mỗi buổi sáng.
-
Cố gắng không ngủ trưa quá lâu vào ban ngày, nhiều nhất là 60 phút.
-
Không sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, tivi hoặc sách điện tử trước khi đi ngủ. Vì ánh sáng xanh từ những thiết bị này có thể khiến bạn khó ngủ hơn.
-
Tránh caffeine, nicotine và rượu vào cuối ngày.
-
Tập thể dục thường xuyên
-
Không ăn nhiều bữa vào cuối ngày hay ăn quá no vào buổi tối.
-
Làm cho không gian phòng ngủ thoải mái: Tối, yên tĩnh và không quá ấm hoặc quá lạnh.
-
Thực hiện một thói quen để thư giãn trước khi đi ngủ như đọc sách, nghe nhạc, đi tắm, hoặc ngồi thiền,…
-
Nếu bạn không thể đi vào giấc ngủ và không buồn ngủ, hãy thức dậy và làm điều gì đó giúp tĩnh tâm, chẳng hạn như đọc sách cho đến khi bạn cảm thấy buồn ngủ.
-
Nếu bạn có xu hướng nằm thao thức và lo lắng về mọi việc, hãy lập danh sách việc cần làm trước khi đi ngủ. Điều này có thể giúp bạn gạt mối bận tâm của mình sang một bên và thoải mái hơn trước khi ngủ.
Tác giả: Trần Sang