Một trong số đó là trường hợp của người bệnh T.T.B (sinh năm 1969 ở Đạo Đức, Bình Xuyên), hiện đang là công nhân của công ty sản xuất nhựa. Ngày 2/8/2021, trong quá trình làm việc đã không may bị máy cưa cắt đứt 1/3 dưới đùi bên phải. Người bệnh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh 30 phút sau tai nạn lao động khi đã sơ cứu băng tạm thời vết thương, kèm theo đó là đặt chân phải bị đứt lìa vào thùng đá ướp lạnh.
Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đang "Nối lại sự sống" chân phải bị đứt rời hoàn toàn cho người bệnh T.T.B
Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã chạy đua với thời gian, khẩn trương hồi sức cho người bệnh, hội chẩn đồng thời các chuyên ngành chấn thương chỉnh hình, Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực và Chống độc, Huyết học truyền máu để đưa ra những giải pháp tốt nhất. Mặc dù chưa hoàn thiện các thủ tục hành chính. Thậm chí, người bệnh chưa có kết quả xét nghiệm với SARS-CoV2 nhưng để cứu lấy chi bị đứt lìa cho nữ công nhân, kíp phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã quyết định thực hiện phẫu thuật cấp cứu với trang phục bảo hộ đúng theo quy chuẩn của Bộ Y tế để đảm bảo thời gian vàng cứu lấy chân cũng như giữ an toàn cho chính bản thân phẫu thuật viên.
Phần chân phải bị đứt rời hoàn toàn khỏi cơ thể của người bệnh T.T.B
Chưa đầy 30 phút sau nhập viện, những đường mổ đầu tiên được bắt đầu. Người bệnh được phẫu thuật cố định xương, đồng thời khâu nối động mạch, tĩnh mạch, dây thần kinh và gân cơ để xử trí các tổn thương.
Phần chân phải bị đứt rời hoàn toàn khỏi cơ thể người bệnh T.T.B đã được nối lại thành công
Sau 3,5 giờ phẫu thuật, chân của người bệnh được nối thành công. Người bệnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV2. "Nếu không giải quyết kịp thời trong khoảng 4-6 giờ sau tai nạn, chiếc chân có thể thiếu máu hoại tử không thể cứu được. Bên cạnh đó, điểm khó nhất của ca ghép này là chi đùi đứt lìa hoàn toàn, nên nguy cơ hoại tử do tắc mạch cao; trong khi yêu cầu phần chi bị đứt liền phải đảm bảo tuần hoàn tốt sau khi nối lại. Điều này đòi hỏi đội ngũ nhân viên y tế phải có trình độ chuyên môn cao và năng lực chuyên sâu. Bên cạnh đó, nhờ phần chân bị đứt rời đã được bảo quản đúng cách và đưa cùng nạn nhân đến Bệnh viện nên phần chi đã được ghép thành công, không có dấu hiệu hoại tử."-Ths.Bs Vũ Văn Bộ(Phẫu thuật viên chính) chia sẻ.
Ths.Bs Vũ Văn Bộ - Khoa CTCH, Bệnh viện ĐK tỉnh Vĩnh Phúc (Phẫu thuật viên chính) đang kiểm tra lại phần chân phải sau khi nối liền thành công
Ths.Bs Vũ Văn Bộ - Khoa CTCH, Bệnh viện ĐK tỉnh Vĩnh Phúc cũng đưa ra khuyến cáo đối với người dân: Trong trường hợp chẳng may xảy ra tai nạn đứt rời chi thể, cần gọi ngay cấp cứu. Nếu có thể, hãy nhanh chóng sơ cứu cầm máu, kết hợp nâng cao vùng chi bị tổn thương để hạn chế máu chảy, cũng như bảo vệ tính mạng cho người bệnh. Đồng thời cần bảo quản chi thể bị đứt rời một cách tốt nhất để đảm bảo sự nguyên vẹn của chi khi được chuyển tới cơ sở y tế cùng người bệnh, như vậy có thể tăng tỷ lệ phẫu thuật thành công cho người bệnh./.
Tác giả: Thu Thủy
Hiện có 0 nội dung bình luận