Ngày 30/10/2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận và phẫu thuật thành công, cứu sống 01 bệnh nhân nam 19 tuổi, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch bị tại nạn giao thông, đưa vào Bệnh viện trong tình trạng mạch, huyết áp không đo được sốc đa chấn thương - Đa thương tích.
Vào hồi 18h10p ngày 30/10/2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận 01 bệnh nhân nam - 19 tuổi, địa chỉ xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch vào viện sau khi bị tai nạn giao thông. Người bệnh vào khoa Cấp cứu trong tình trạng da tái, niêm mạc nhợt nhiều, mạch quay không bắt được, huyết áp không đo được, có nhiều tổn thương ở cẳng chân, vùng hố chậu, vùng bẹn. Ban đầu, kíp trực khoa Cấp cứu đã nhận định đây là một ca bệnh nặng có nhiều tổn thương nặng, đe dọa tính mạng người bệnh nên đã lập tức tiến hành hồi sức tích cực và song song với việc đó kíp trực khoa Cấp cứu đã mời hội chẩn liên khoa (Lãnh đạo, Trưởng phiên trực, khoa HSTC&CĐ, Chấn thương Chỉnh hình, Ngoại Tiết niệu, Ngoại Tổng hợp, Gây mê Hồi sức, Nội Tim mạch, Huyết học truyền máu…) và xin ý kiến chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức để cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Sau khi hội chẩn, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, kết quả cho thấy bệnh nhân có nhiều tổn thương nhanh chóng thống nhất chẩn đoán người bệnh bị sốc đa chấn thương bao gồm: vỡ bàng quang, đứt niệu đạo sau, gãy và vỡ xương chậu, vỡ ổ cối, chật khớp mu, chật khớp vùng chậu 2 bên, gãy kín 2 xương cẳng chân, vết thương phần mềm chảy máu nhiều, phù nề vùng bẹn 2 bên…
Hình ảnh vỡ xương cảng chân sau khi bệnh nhân được chụp Xquang kỹ thuật số
Các bác sĩ sau khi hội chẩn đã đưa cách xử trí và phương pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân: phẫu thuật khâu vỡ bàng quang, dẫn lưu bàng quang, kiểm soát tổn thương các tạng khác trong ổ bụng, hồi sức tích cực, chụp động mạch chậu chọn lọc nút động mạch chậu trong nếu không kiểm soát được tình trạng chảy máu.
Hình ảnh vỡ xương chậu trên hệ thống máy chụp MSCT
Kíp phẫu thuật của Bệnh viện (bao gồm: Bs Lê Thế Hoàng - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bs NguyễnĐình Phúc – Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bs Hoàng Quỳnh - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu) đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật, đánh giá tổn thương: Khâu phục hồi bàng quang, đặt dẫn lưu trên xương mu, khâu tổn thương thanh mạc, đại tràng sigma, ruột non, khâu tổn thương phần mềm lóc da đùi trái, phải.Trước, trong và sau quá trình phẫu thuật bệnh nhân phải truyền 2450ml khối hồng cầu, 1000ml huyết tương tươi…còn các tổn thương khác sẽ được thực hiện ở thì 2 khi toàn trạng người bệnh đã ổn định. Sau hơn hai giờ thực hiện phẫu thuật, nhờ can thiệp nhanh nên ca mổ thành công, tình trạng người bệnh chảy máu qua các tổn thương đã được kiểm soát, người bệnh tỉnh, tiếp xúc được và được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực và Chống độc để tiếp tục hồi sức và điều trị phục hồi.
Theo Bác sĩ Hoàng Quỳnh –Trưởng khoa Ngoại Tiết Niệu – một trong các bác sĩ chính trực tiếp tham gia ca phẫu thuật cấp cứu cho biết: “Đa chấn thương là những tổn thương có từ 2 tổn thương nặng trở lên ở các vùng hoặc các hệ thống cơ quan khác nhau trong đó ít nhất có một tổn thương hoặc kết hợp nhiều tổn thương khác đe dọa tính mạng của bệnh nhân, trong khi đó người bệnh này lại có tới 7 tổn thương kết hợp ở nhiều chuyên khoa khác nhau, mà tổn thương nào cũng rất nặng trong đó có tới 2 tổn thương kết hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng người bệnh. Nên chúng tôi đánh giá đây là một trong những trường hợp bị đa chấn thương nặng, nguy cơ tử vong rất cao, các bác sĩ không có nhiều thời gian chuẩn bị, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm và đưa ra cách xử trí kịp thời. Sau khi hội chẩn, chúng tôi đã nhận định nếu di chuyển, 100% bệnh nhân sẽ tử vong trên đường cấp cứu bởi tính mạng bệnh nhân đang được tính từng giây, từng phút. Chúng tôi đã tư vấn cho gia đình nên để bệnh nhân được mổ cấp cứu ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để có thể giữ được tính mạng của người bệnh. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ với sự nỗ lực hết mình của kíp phẫu thuật đã thành công. Tuy nhiên do tổn thương nặng nên trong những ngày tới người bệnh cần tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa HSTC &CĐ”.
Hình ảnh tổn thương của vỡ xương chậu được dựng lại trên hệ thống máy chụp MSCT
Trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện trực tiếp chỉ đạo, Bs Lê Văn Tịnh – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: trong tình trạng người bệnh nặng như vậy, Bệnh viện đã huy động tối đa nguồn lực trang thiết bị y tế tiên tiến (hệ thống chụp MSCT), đội ngũ thầy thuốc giỏi của Bệnh viện để đánh giá được chi tiết tổn thương nhằm tránh bỏ xót. Bên cạnh đó đã liên hệ với các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức để phối hợp giành lấy sự sống cho người bệnh. Rất may, sau phẫu thuật bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tính tới thời điểm hiện tại thì sức khỏe của người đã bệnh khá hơn rất nhiều so với tình trạng nhập viện ban đầu. Mặc dù vậy, người bệnh vẫn được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt của khoa Hồi sức tích cực và Chống độc và Ban lãnh đạo Bệnh viện vẫn chỉ đạo các Bác sĩ tích cực theo dõi sát sao người bệnh, để kịp thời xử trí đồng thời phát hiện các tổn thương mới mà có thể chưa có.
Ca phẫu thuật được thực hiện thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một một minh chứng điển hình đem lại cơ hội sống cho bệnh nhân, phần nào khẳng định được tinh thần, trách nhiệm, trình độ chuyên môn ngày càng cao, sự phối hợp có hiệu quả của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc trong việc chẩn đoán, áp dụng, làm chủ kỹ thuật phẫu thuật, hồi sức tích cực, điều trị chăm sóc người bệnh. Điều này càng khiến khách hàng ngày càng thêm tin tưởng và yên tâm khi lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đây./.
Tác giả: Thu Thủy