Bệnh viện ĐK tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai ứng dụng thành công việc phẫu thuật u não bằng kính vi phẫu đem lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh nhân có bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh, đặc biệt đối với người bệnh mắc chứng bệnh u não nhanh chóng hồi phục và giảm đáng kể về chi phí.
Bà K.T.H 61 tuổi, quê ở xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường là một trong số những người bệnh đã được phẫu thuật thần kinh, tách bỏ u não bằng kính vi phẫu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Hình ảnh phim chụp cộng hưởng từ sọ não của người bệnh H
Bà H được chuyển đến Bệnh viện ĐK tỉnh với biểu hiện đau đầu dữ dội kèm theo nôn nhiều. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc cản quang, kết quả cho thấy người bệnh có một khối u màng não đường giữa với kích thước khoảng 4x6mm. Nhận định đây là ca bệnh khó mà khối u ở vị trí sâu, đã xâm lấn xoang tĩnh mạch dọc nên việc thực hiện phẫu thuật vô cùng phức tạp, đòi hỏi người bác sỹ phải khéo léo, tỉ mỉ để đạt kết quả tốt nhất. Bác sĩ Nguyễn Thanh Nam - Phó Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, trưởng kíp phẫu thuật cùng các bác sĩ trong Khoa đã tiến hành mở xương sọ, màng cứng, bóc tách vỏ não để lộ khối u, sau đó sử dụng kính vi phẫu lấy toàn bộ khối u ra ngoài, đảm bảo an toàn cho vùng não lành. Ca phẫu thuật được thực hiện trong 90 phút diễn ra thuận lợi thành công. Hiện nay, 4 ngày sau phẫu thuật các thông số về chức năng sống của người bệnh đã ổn định, người bệnh đã có thể tự ăn uống được, bắt đầu tập ngồi và tập đi, tình trạng sức khỏe đã phục hồi tốt. Dự kiến 01 tuần sau phẫu thuật người bệnh có thể xuất viện.
Hình ảnh khối u được các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh lấy ra khỏi sọ não của người bệnh H
Hiện tại, sức khỏe của người bệnh H sau phẫu thuật đã dần phục hồi
Với tinh thần học tập nâng cao trình độ chuyên môn cùng sự đầu tư đồng bộ các trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận thành công và áp dụng kỹ thuật sử dụng kính vi phẫu trong phẫu thuật thần kinh sọ não, giúp cho người bệnh thấy thuận tiện hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng và giảm tỷ lệ chuyển tuyến của người bệnh.
Tác giả: Thành Tuyên