Hội chứng ống cổ tay là tình trạng gây tê, ngứa ran và các triệu chứng khác ở bàn tay. Các cử động gập duỗi cổ tay quá mức, lặp đi lặp lại trong thời gian dài có nguy cơ dẫn đến bệnh lý này. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, căn bệnh này hoàn toàn chẩn đoán được bằng các thiết bị y tế hiện đại và có thể được điều trị khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật ít xâm lấn bởi đội ngũ bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình.
Hội chứng ống cố tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay xảy ra do các bất thường trong giải phẫu ống cổ tay. Đây là một đường hầm nhỏ nhằm bảo vệ dây thần kinh giữa, bề rộng khoảng 2,5cm. Mặt nền và hai bên thành của đường hầm là các xương cổ tay. Mái của đường hầm được che phủ bởi một dải mô liên kết chặt chẽ gọi là dây chằng ngang. Đi trong ống cổ tay có dây thần kinh giữa và các gân gấp các ngón tay lên bám vào cẳng tay. Vì các cấu trúc đi qua ống cổ tay là cố định, đường hầm ống cổ tay tương đối chật hẹp và có rất ít khả năng thay đổi kích thước. Trong khi đó, dây thần kinh giữa lại mềm nhất, nằm nông nhất nên dễ bị tổn thương do chèn ép nhất.
Dây thần kinh giữa là một trong những dây thần kinh chính ở bàn tay. Đây là sợi ngoại biên bắt nguồn từ nhóm rễ thần kinh ở tủy cổ. Dây thần kinh giữa đi xuống cánh tay và cẳng tay, chui qua đường hầm ống cổ tay và đi vào bàn tay.
Chức năng của dây thần kinh giữa là cảm nhận cảm giác ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1 nửa ngón đeo nhẫn. Đồng thời, dây thần kinh giữa cũng chịu trách nhiệm vận động cho các cơ xung quanh gốc ngón tay cái. Khi bị chèn ép, các chức năng của thần kinh giữa bị hạn chế, biểu hiện ra các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay.
Biểu hiện của hội chứng ống cổ tay
Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay bao gồm:
- Cảm giác các ngón tay sưng phồng mơ hồ;
- Tê bì tay, ngứa ran, nóng rát và đau đớn, xảy ra chủ yếu ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1 phần ngón đeo nhẫn; triệu chứng tê bì đôi khi lan lên cẳng tay và cánh tay
- Đau hoặc ngứa ran có thể đi lên cẳng tay về phía vai;
- Nặng hơn sẽ có tình trạng tay yếu và vụng về, đau cơ, chuột rút và có thể gây khó khăn cho việc thực hiện các động tác mà bình thường vẫn làm tốt như cầm nắm đồ vật, cài nút quần áo, sử dụng điện thoại, lái xe hoặc đọc sách...
- Đánh rơi đồ vật do cảm giác bàn tay tê liệt hoặc mất nhận thức về vị trí của tay trong không gian.
Trong hầu hết các trường hợp, những triệu chứng của hội chứng ống cổ tay bắt đầu dần dần mà không có một chấn thương cụ thể nào xảy ra trước đó. Đôi khi các triệu chứng lại xảy ra ban đêm nếu người bệnh ngủ với cổ tay bị cong, gây ra áp lực lên dây thần kinh giữa. Lúc ban đầu, các triệu chứng chỉ thoáng qua, người bệnh đôi khi không nhận biết được. Chỉ đến khi tình trạng xấu đi, các triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn hoặc kéo dài trong thời gian dài hơn, họ mới thấy bất thường và đi khám. Lúc này, tình trạng chèn ép trên thần kinh giữa đã thực sự nặng nề.
Nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là hệ quả của sự kết hợp nhiều yếu tố. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ và người già có tỷ lệ cao mắc phải bệnh lý này.
Các nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay bao gồm:
- Di truyền: Đây có thể là một yếu tố quan trọng. Đường hầm ống cổ tay có kích thước nhỏ hơn ở một số chủng tộc hoặc có sự khác biệt về mặt giải phẫu làm thu hẹp không gian, khiến cho dây thần kinh giữa dễ bị chèn ép hơn.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp ba lần so với nam giới, do nhìn chung họ có đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn;
- Sử dụng tay lặp đi lặp lại: Lặp đi lặp lại cùng một chuyển động của bàn tay và cổ tay trong một thời gian dài có thể làm tổn thương các gân ở cổ tay, gây sưng viêm và gây áp lực lên dây thần kinh;
- Vị trí tay và cổ tay: Thực hiện các hoạt động cần phải uốn cong, gập duỗi quá mức bàn tay và cổ tay trong một thời gian dài có thể làm tăng áp lực lên dây thần kinh;
- Thai kỳ: Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể gây sưng viêm các thành phần trong ống cổ tay;
- Các bệnh lý đi kèm: Tổng trạng béo phì, bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, suy thận và rối loạn chức năng tuyến giáp là những bệnh lý có liên quan đến hội chứng ống cổ tay;
- Sau tổn thương cổ tay: Do viêm khớp, viêm dây chằng, viêm đơn dây, đa dây thần kinh hay cả các chấn thương cổ tay, chẳng hạn như trật khớp, gãy xương. Những điều này làm thay đổi không gian trong ống cổ tay và gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
Điều trị Hội chứng ống cổ tay như thế nào?
Thông thường, đối với người bệnh mắc hội chứng ống cổ tay, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị nội khoa, bao gồm thuốc giảm đau không kê đơn, vật lý trị liệu, hạn chế cử động hay dùng nẹp cổ tay và cả tiêm steroid vào cổ tay để giúp giảm sưng và đau. Phẫu thuật điều trị hội chứng ống cổ tay được áp dụng cho người bệnh ở giai đoạn nặng, có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã điều trị nội khoa nhiều tháng mà tình trạng bệnh không thuyên giảm.
Phương pháp phẫu thuật này được các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình ứng dụng với ưu điểm ít xâm lấn, đường rạch da nhỏ chỉ 2-3cm dọc gan tay dưới nếp gấp cổ tay, vết mổ liền nhanh, độ an toàn cao, tỷ lệ tái phát thấp. Người bệnh được vô cảm vùng cổ bàn tay bằng phương pháp tê đám rối thần kinh cánh tay hoặc tê tại chỗ nên không cảm thấy đau trong suốt quá trình phẫu thuật, bác sĩ tiến hành cắt dây chằng ngang, giải phóng dây thần kinh giữa một cách chính xác, nhanh chóng.
Sau khi mổ hội chứng ống cổ tay, cổ tay cần được băng bó và đặt nẹp để hạn chế cử động trong một đến hai tuần. Người bệnh sẽ được sắp xếp tái khám để tháo băng, nẹp và bác sĩ đánh giá lại sự lành vết mổ cũng như chức năng các cơ bàn tay, cổ tay. Trong thời gian này, người bệnh có thể cử động nhẹ các ngón tay để giúp ngăn ngừa cứng khớp.
ThS.BS. Vũ Văn Bộ (Khoa Chấn thương chỉnh hình) cho biết: Hội chứng ống cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng về lâu dài có thể dẫn đến tàn tật do tổn thương thần kinh, mạch máu và teo cơ mô cái. Phẫu thuật là giải pháp điều trị tối ưu sau khi điều trị nội khoa không hiệu quả để tránh tình trạng không phục hồi hay tổn thương thêm của dây thần kinh giữa.
Bác sĩ cũng dành lời khuyên cho người thường phải duy trì tư thế làm việc lâu dài như sau: Vận động và nghỉ ngơi đúng cách để giảm thiểu các căng thẳng, áp lực lên cổ tay; để bàn tay và cổ tay được nghỉ giải lao thường xuyên bằng cách nhẹ nhàng duỗi và xoa bóp cổ tay định kỳ trong 10 đến 30 giây sau mỗi 15 – 30 phút làm việc nhiều bằng tay; ngồi đúng tư thế; duy trì lối sống lành mạnh và có chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý…
Hội chứng ống cổ tay nếu không được điều trị sớm, hiện tượng viêm ống cổ tay có thể gây biến chứng teo cơ, tàn phế do tổn thương dây thần kinh mạch máu… Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh không nên chủ quan với các triệu chứng ban đầu và cần đi khám đúng chuyên khoa để được can thiệp kịp thời. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, kinh nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc là địa chỉ tin cậy để điều trị bệnh lý Hội chứng ống cổ tay và các bệnh lý cơ xương khớp tại địa phương và các vùng lân cận.
Tác giả: Hồng Nhung