Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi dưỡng đột ngột, dẫn đến hoại tử mô cơ tim và gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một bệnh lý có tỷ lệ tử vong rất cao, với 25% người bệnh tử vong trong giai đoạn cấp, thường trước khi được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu. Những bệnh nhân may mắn nhập viện điều trị cũng phải đối mặt với hàng loạt biến chứng nguy hiểm, bao gồm loạn nhịp tim, rung thất, thuyên tắc mạch máu, suy tim, viêm màng ngoài tim,... Những biến chứng này không chỉ làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Trong đó, rung thất là biến chứng nguy hiểm nhất, có thể gây đột tử.
*Cố vẫn chuyên môn: BSCKII. Cao Việt Cường, Trưởng khoa can thiệp tim – Mạch máu.
Ở nước ta, tỉ lệ mắc nhồi máu cơ tim đang có xu hướng gia tăng, và ngày càng trẻ hóa, đây là căn bệnh có nguy cơ gây tử vong đột ngột dù trước đó hoàn toàn khỏe mạnh.
Nhồi máu cơ tim cấp là thể nặng nề nhất của bệnh lý thiếu máu cơ tim cục bộ. Bệnh thường khởi phát đột ngột, và cần được xử trí khẩn cấp tại bệnh viện. Hiện nay việc điều trị nhồi máu cơ tim cấp đang rất được quan tâm và đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận. yếu tố quyết định trong điều trị là thời gian, người bệnh được phát hiện và nhập viện càng sớm thì tiên lượng càng tốt so với những người chậm trễ.
Nguyên nhân bệnh Nhồi máu cơ tim cấp
Nhồi máu cơ tim cấp tính xảy ra do sự giảm đột ngột lưu lượng máu qua động mạch vành, dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim, mà nguyên nhân chính là xơ vữa động mạch.
Cơ tim được cung cấp máu bởi động mạch vành trái và phải. Khi các mảng xơ vữa xuất hiện trên thành động mạch vành, chúng làm hẹp lòng mạch và giảm lưu lượng máu. Nếu mảng xơ vữa bị vỡ, nó sẽ kích hoạt quá trình hình thành cục máu đông, khiến lòng mạch bị tắc nghẽn hoàn toàn, từ đó gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp.
Thực tế, mảng xơ vữa sẽ không gây nhồi máu cơ tim cấp nếu nó không bị vỡ mà chỉ âm thầm phát triển và làm hẹp lòng mạch. Tương tự, nếu mảng xơ vữa bị vỡ nhẹ và cục máu đông hình thành sau đó không làm tắc hoàn toàn lòng mạch, thì tình trạng này cũng không dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp, mà chỉ gây ra các cơn đau thắt ngực không điển hình.
Các nguyên nhân khác có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim là:
- Thuyên tắc động mạch vành thứ phát
- Thiếu máu cục bộ do sử dụng ma túy (như cocaine, amphetamine, ephedrine)
- Co thắt mạch vành nguyên phát
- Dị tật mạch vành bẩm sinh
- Chấn thương mạch vành
- Viêm động mạch
- Các yếu tố làm tăng nhu cầu oxy (cường giáp, gắng sức nhiều, sốt)
- Các yếu tố làm giảm khả năng cung cấp oxy (vd: thiếu máu nặng)
- Bóc tách động mạch chủ
- Bệnh phổi cấp tính
Triệu chứng bệnh Nhồi máu cơ tim cấp
Triệu chứng nhồi máu cơ tim không giống nhau, mức độ biểu hiện tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, liên quan trực tiếp đến vùng hoại tử của cơ tim. Một số triệu chứng của nhồi máu cơ tim cấp điển hình như:
- Cơn đau thắt ngực điển hình: Đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc hơi lệch sang trái, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón tay.
- Cơn đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị.
- Vã mồ hôi
- Khó thở, thở khò khè
- Hồi hộp, đánh trống ngực
- Nôn, buồn nôn
- Lú lẫn
- Rối loạn tiêu hóa (gặp ở một số người)
Trong một số trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp, người bệnh không có hoặc có ít cảm giác đau sẽ khó nhận ra ra hơn. Trường hợp này gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng, hay gặp ở người bệnh sau mổ, người già, người bị đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.
Khi thăm khám bác sĩ có thể phát hiện các triệu chứng như:
- Rối loạn huyết động: huyết áp có thể tăng do tăng tiết catecholamine hoặc giảm thấp nếu có suy tim nặng; mạch có thể rất nhanh hoặc chậm
- Tĩnh mạch cổ nổi
- Nghe phổi thấy rale
- Nghe tim thấy tiếng tim thường nhỏ
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhồi máu cơ tim cấp
Chẩn đoán nhồi máu cơ tim cần có sự kết hợp giữa khai thác bệnh sử, các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng như sau:
- Điện tâm đồ (ECG): ST chênh lên và sự thay đổi sóng T là những biểu hiện thường thấy của nhồi máu cơ tim cấp. sự xuất hiện của sóng Q chứng tỏ cơ tim đã bị hoại tử và tạo sẹo. vị trí các điện cực xuất hiện các sóng gợi ý vị trí vùng cơ tim bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý trong một vài trường hợp nhồi máu cơ tim, điện tâm đồ của người bệnh vẫn hoàn toàn bình thường.
- Định lượng men tim: troponin I, troponin T, CKMB là những chất chỉ điểm khi cơ tim bị tổn thương, tăng lên sau vài giờ.
- Các xét nghiệm máu khác: Công thức máu CBC, bảng lipid, chức năng thận, bảng trao đổi chất…
- Siêu âm tim: Đánh giá chuyển động của thành tim, mức độ bất thường của van, hở van hai lá do thiếu máu cục bộ và sự hiện diện của chèn ép tim.
- Chụp động mạch vành: là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất giúp quyết định các điều trị bệnh phù hợp với từng người bệnh.
Các biện pháp điều trị bệnh Nhồi máu cơ tim cấp
Điều trị nhồi máu cơ tim cấp cần được tiến hành khẩn trương, tuân thủ nguyên tắc tăng cường đưa oxygen đến cơ tim bằng cách phối hợp các phương pháp sau:
- Cho người bệnh thở oxy
- Thuốc: Các nhóm thuốc có tác dụng giãn mạch vành và làm tan cục máu đông là các nhóm thuốc được chỉ định nhiều trong bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp.
- Can thiệp
- Nong động mạch vành qua da là phương pháp được ứng dụng rộng rãi nhất hiện này trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp. Ống thông được đặt qua động mạch đùi hoặc động mạch quay để vào động mạch vành ở tim, nong rộng lòng mạch, phá vỡ mảng xơ vữa. Đây là phương pháp điều trị có hiệu quả cao, khôi phục được 90-95% lưu lượng máu qua động mạch vành.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, nối tắt qua chỗ bị hẹp là phương pháp chuyên sâu hơn, áp dụng khi can thiệp nong động mạch vành qua da thất bại, hoặc nhồi máu cơ tim đã có biến chứng, động mạch vành dị dạng.
Biến chứng của nhồi máu cơ tim cấp
Biến chứng nhồi máu cơ tim cấp thường do cơ tim bị tổn thương. Các biến chứng bao gồm:
- Nhịp tim bất thường hoặc rối loạn nhịp: Tổn thương do nhồi máu cơ tim có thể ảnh hưởng đến cách thức các tín hiệu điện di chuyển trong tim, gây ra những thay đổi về nhịp tim (rối loạn nhịp). Một số trường hợp rất nghiêm trọng và gây chết người, đột tử.
- Sốc tim: Tình trạng hiếm gặp này xảy ra khi tim đột ngột không thể bơm máu, xảy ra khi tổn thương khối lượng cơ tim lớn >40%.
- Suy tim: Mô cơ tim bị tổn thương nhiều có thể khiến tim không thể bơm máu. Suy tim có thể tạm thời (suy tim cấp) hoặc lâu dài (mãn tính).
- Viêm màng ngoài tim: Đôi khi nhồi máu cơ tim gây ra tình trạng phản ứng hệ thống miễn dịch bị lỗi. Tình trạng này được gọi là hội chứng Dressler (viêm tràn dịch màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim).
- Ngưng tim: Tim bỗng nhiên ngừng đập mà không có bất cứ một tín hiệu nào báo trước. Sự thay đổi tín hiệu đột ngột của tim gây ngừng tim. Cơn nhồi máu cơ tim cấp làm tăng nguy cơ và đe dọa tính mạng người bệnh, có thể dẫn đến tử vong (đột tử do tim) nếu không được điều trị ngay lập tức.
Trường hợp có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp
Nhồi máu cơ tim cấp có khả năng xuất hiện cao hơn ở những người có các đặc điểm sau:
- Giới tính nam
- Tuổi trên 55
- Tiền sử gia đình có người mắc nhồi máu cơ tim hoặc các bệnh lý tim mạch, bệnh liên quan đến động mạch vành.
- Hút thuốc lá với số lượng nhiều, kéo dài trong nhiều năm
- Ít vận động
- Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, không hợp lý
- Thừa cân, béo phì
- Tăng cholesterol máu
- Mắc bệnh đái tháo đường
- Tăng huyết áp
- Bệnh lý tăng đông máu
- Lối sống stress, nhiều căng thẳng, trầm cảm, cô lập xã hội
Phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim cấp
Vì tính chất nguy hiểm của bệnh, vấn đề phòng tránh mắc bệnh và hạn chế biến chứng nhồi máu cơ tim cấp rất được quan tâm. Điều này có thể được thực hiện bằng các biện pháp sau:
- Không hút thuốc lá
- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa
- Thường xuyên tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày trong 3 ngày/ tuần
- Xây dựng lối sống vui vẻ và cân bằng, tránh các căng thẳng về tâm lý
- Duy trì thân hình cân đối, không để bị béo phì
- Điều trị kiểm soát tốt huyết áp và đường máu nếu mắc phải bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường
Và quan trọng nhất, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc nhồi máu cơ tim cấp, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Trần Sang