Thời tiết thay đổi khi giao mùa là tác nhân khiến nhiều bệnh mới xuất hiện. Bên cạnh đó cơ thể trẻ em vốn rất nhạy cảm nên khả năng nhiễm bệnh là cao hơn so với những người bình thường. Một số căn bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa bao gồm: Bệnh đường hô hấp, tiêu hóa như hắt hơi, sổ mũi, ho khan, thở khò khè, đầy bụng, khó tiêu, nôn ói, đi cầu phân sống, tiêu chảy…
Nguyên nhân thường do chế độ ăn uống chưa phù hợp, thực phẩm không đảm bảo an toàn, thức ăn ôi thiu, bị lên men hoặc nhiễm khuẩn làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Ngoài ra, khi trời trở lạnh, trẻ dễ đổ mồ hôi do mặc nhiều quần áo. Mồ hôi ngấm lại cơ thể gây nhiễm lạnh và các bệnh đường hô hấp. Điều trị bằng kháng sinh dài ngày sẽ khiến các nhóm vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa bị ảnh hưởng, gây loạn khuẩn đường ruột.
Khi chăm sóc trẻ các mẹ nên tìm hiểu các vấn đề về chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ để đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng hàng ngày và tạo sức đề kháng cho trẻ để chống lại bệnh tật khi giao mùa
Điều đầu tiên cần chú ý trong chế độ dinh dưỡng của con là việc là cha mẹ cần đưa ra một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ các nhóm dưỡng chất (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước) giúp bé tiêu hóa và hấp thu tốt nhất.
Thực phẩm giàu đạm có tác dụng kích thích sản sinh nhiệt và giữ ấm cơ thể;
Đạm Là yếu tố cấu trúc chính tham gia vào thành phần cơ thể, cần thiết cho chuyển hóa bình thường của các chất dinh dưỡng khác, đặc biệt là các vitamin và chất khoáng. Thực phẩm giàu đạm có tác dụng kích thích sản sinh nhiệt cao hơn các thức ăn khác, vì vậy có khả năng giữ ấm tốt trong thời tiết lạnh. Mẹ nên bổ sung đạm cho bé từ sữa, đậu nành, thịt, cá, tôm, cua, trứng và gan.
Vitamin A và C giúp tăng cường sức đề kháng trong thời tiết lạnh.
Ngoài đạm, vitamin cũng giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại bệnh cúm và cảm lạnh khi trời trở lạnh. Vitamin A có vai trò duy trì tình trạng bình thường của biểu mô, sự bền vững của màng tế bào đặc biệt là các tế bào niêm mạc non, tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch. Khi cơ thể thiếu vitamin A, khả năng chống lại virus của tế bào giảm, chức năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp cũng theo đó yếu đi. Một khi bị virus và vi khuẩn tấn công, trẻ rất dễ viêm nhiễm đường hô hấp. Do đó, mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin như trứng, gan, sữa, rau lá sẫm màu (rau ngót, mùng tơi, muống, cải ngọt (bó xôi), bí đỏ, cà rốt, rau dền, rau đay, gấc ...). Trái cây màu vàng hoặc da cam như xoài, đu đủ, chuối, cam, hồng chín, … cũng chứa nhiều vitamin A và tiền vitamin A.
Vitamin C tham gia nhiều quá trình chuyển hóa quan trọng, kích thích quá trình tân tạo của tế bào, tạo colagen của mô liên kết (sụn xương, răng, mạch máu, cơ, da, các vết sẹo...). Vitamin C kích thích hoạt động tuyến thượng thận, tuyến yên, hoàng thể, cơ quan tạo máu, tăng cường thể lực và phòng chống virus lây nhiễm; hỗ trợ sự hình thành kháng thể, tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể. Lúc trẻ cảm hoặc sốt, nồng độ vitamin C trong tế bào bạch huyết sẽ giảm xuống mức thấp. Mẹ nên chú ý bổ sung thêm các loại đồ ăn thức uống có hàm lượng vitamin C cao cho bé như cam, chuối, xoài, quýt, bưởi, rau xanh…
Bên cạnh đó, mẹ nên chế biến thêm hành, tỏi và gừng vào các món ăn, để tăng sức đề kháng khi trẻ có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi. Tỏi tây có chứa nhiều vitamin B và C, khoáng chất (sắt, canxi, phốt pho, magie, natri, kali…) bổ thần kinh, giúp tránh cảm. Hành tây có tác dụng lợi tiểu, dễ tiêu hóa, trị ho, an thần nhẹ, bồi bổ cơ thể. Củ gừng tươi có khả năng đánh bại nhiều loại cảm cúm.
Thực phẩm dễ tiêu hóa
Khi bụng bé nhaỵ cảm, mẹ nên cho bé ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa (cháo, bột...) hoặc sản phẩm dinh dưỡng công thức phù hợp. Nếu tiêu chảy, chỉ cho bé ăn dầu thực vật, hạn chế mỡ động vật. Đồng thời, cần cho bé ăn uống hợp vệ sinh, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, bảo quản kỹ lưỡng, hạn chế lưu trữ đồ ăn nhiều ngày.
Thời tiết thay đổi thất thường, mẹ tránh cho bé chơi ngoài trời nắng hay mưa. Việc tập thể dục đều đặn, giữ vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, chăm sóc răng miệng… cũng giúp bé phòng tránh nhiều tác nhân gây bệnh.
Đặc biệt, mẹ đừng bao giờ bỏ qua việc bổ sung khoáng chất cho cơ thể trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, nếu cơ thể bị thiếu muối vô cơ, trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Chính vì thế mà mẹ cần chú ý cho con ăn nhiều những thực phẩm giàu khoáng chất như trái cây, rau quả và các loại hạt.
Uống nhiều nước cũng là cách để nâng cao sức đề kháng cho con trong thời tiết giao mùa.
Việc cung cấp nước cho trẻ có thể được thực hiện bằng cách cho trẻ uống nước hoặc ăn soup mỗi ngày. Đối với những trẻ bị sốt thì cảm giác thèm ăn chưa được phục hồi, mẹ hãy cho con một chế độ ăn mềm như mì, cháo… tránh cho con dùng đồ ăn lạnh để bệnh không tái phát.
Cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời để nâng cao thể chất cũng giúp tăng sức đề kháng của con tốt hơn khi giao mùa.
Gợi ý món ăn chế biến từ các thực phẩm này: Đưa vào thực đơn hàng ngày các loại thực phẩm nêu trên chắc hẳn là một việc không quá khó khăn đối với các mẹ. Tuy nhiên xin được gợi ý một vài công thức vừa đơn giản vừa hợp với tiết trời lạnh để mẹ có thể tham khảo khi cần đổi món cho bé yêu trong mùa đông này.
1. Cháo thịt băm rau xanh
Giá trị dinh dưỡng: Năng lượng: 252kcal, đạm: 8,8g; lipid: 6,9g; đường bột: 38,8g; vitamin A 110mg; vitamin C 37mg
Nguyên liệu:
Gạo 50g
Rau xanh 20g
Thịt nạc 20g (thịt lợn hoặc lườn gà)
Nước dùng 4 bát
Cách làm:
Gạo vo sạch ngâm 1 tiếng nấu với nước dung thành cháo
Rau rửa sạch, băm nhỏ
Thịt nạc chia miếng mỏng nêm ít muối luộc trong 10 phút, sau đó bằm nhuyễn
Cho thịt và rau vào nồi xào đảo đều trong ít phút là hoàn tất.
.
2. Súp cà rốt, gừng, thịt bò
Nguyên liệu: Thịt bò 50g, cà rốt 150g, bột gạo 10g, gừng 5g, tỏi 2g, nước dùng, hành tím 2g, dầu ô liu 10ml.
Giá trị dinh dưỡng: Năng lượng: 200kcal, đạm 14g; Lipid 9g; bột đường 20,4g
Cách chế biến: Cà rốt gọt vỏ, cắt khúc nhỏ, hành tím, gừng, tỏi bỏ vỏ, rửa sạch, băm nhỏ. Cho 1 thìa dầu ô-liu vào chảo, đun nóng, cho hành tím, gừng, tỏi vào phi thơm cùng thịt bò băm. Để lửa nhỏ khoảng 5 phút thì cho cà rốt vào, thêm nước dùng và khoảng 240ml nước, đun nhỏ lửa đến khi thật nhừ. Vớt cà rốt ra xay nhuyễn hoặc dùng thìa tán cà rốt ra mịn, đun sôi trở lại thêm 10g bột gạo cho sánh là được.
3. Cháo cà rốt – thịt bò
– Nguyên liệu:
2/3 chén cháo trắng nấu nhừ hơi đặc,
1 muỗng canh cà rốt băm nhuyễn (20g),
1 muỗng canh thịt bò băm nhuyễn (30g),
1 muỗng canh dầu ăn(5g), 1/3 chén nước
Giá trị dinh dưỡng: Năng lượng: 200kcal, protein: 9g; lipid 6g; đường bột 24,4g.
– Cách làm: Hòa cà rốt, thịt bò với 1/3 chén nước cho tan đều. Cho cháo vào đun sôi. Sau đó mẹ cho dầu vào khuấy đều. Cuối cùng, mẹ nếm vừa miệng bé. Cháo chín, nhấc xuống để nguội bớt và cho bé ăn.
4. Cháo hành tây – gan lợn
Trong gan có chứa nhiều protein, lipid và các chất khoáng, vitamin A cần thiết cho sức khỏe của bé. Vì vậy, mẹ có thể đổi thực đơn cho bé với món cháo hành tây – gan lợn cực bổ dưỡng này.
– Nguyên liệu:
bột hoặc gạo: 40g,
đậu xanh 10g,
nước mắm 2g,
hành 2g,
rau mùi (ngò) 2g,
gan 50g,
hành tây10,
nước.
- Giá trị dinh dưỡng: Năng lượng: 250kcal, protein: 15,2g; lipid 5,4g; đường bột 38g.
– Cách làm: gạo vo sạch nấu cháo, gan thái mỏng, hành tây xắt mỏng. Phi 1 muỗng cà phê dầu hành xào gan, hành tây, thêm chút nước mắm hoặc muối i-ốt. Cháo nấu chín nhừ, cho gan, hành tây vào, nấu sôi lên và nêm lại cho vừa ăn, thêm hành ngò nhấc xuống, cho thêm 1 muỗng dầu ăn.
– Bắc ra khỏi bếp, để nguội bớt và cho bé ăn.
5. Cháo đậu xanh – bí đỏ
Cháo đậu xanh- bí đỏ có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, có lợi cho ngũ tạng của bé. Cả đậu xanh và bí đỏ đều có vịt ngọt, tính mát, dồi dào vitamin A,C tự nhiên giúp bé tăng sức đề kháng, chống lại một số bệnh như táo bón, hay viêm tấy.
Cách làm món ăn thanh nhiệt này rất đơn giản:
– Nguyên liệu: 200-300gr đậu xanh,
200gr bí đỏ,
đường (có thể thêm một chút muối tùy khẩu vị).
- Giá trị dinh dưỡng: Năng lượng: 704kcal, protein: 47.4g; lipid 4,8g; đường bột 117g.
– Cách làm: Đậu xanh vo sạch, ngâm nước khoảng 2-3 giờ, mục đích để đậu nhanh nhừ, hoặc nếu không có thời gian mẹ chỉ cần vo sạch rồi đem nấu cũng không sao, thời gian đậu nhừ sẽ lâu hơn 1 chút. Bí đỏ rửa sạch, bỏ vỏ, hạt, xắt miếng vừa ăn.
Tiếp theo, đổ lượng nước vừa đủ vào nồi đậu xanh và ninh đến nhừ. Khi nước sôi mẹ hớt hết bọt cho nước trong. Đậu ninh nhừ, cho bí đỏ vào ninh cùng. Nếu thích lúc ăn vẫn còn miếng bí thì chú ý thời gian đừng để bí nát.
Khi cả bí và đậu xanh đều chín, nêm nếm đường và chút muối vừa miệng ăn, đun thêm khoảng 5 phút nữa rồi tắt bếp .
Tác giả: Khổng Thị Thúy Lan