Vào viện thăm khám do mệt mỏi, sụt cân nhanh, bà N.T.C (80 tuổi, Vĩnh Tường) được chẩn đoán ung thư đại tràng, đây là một ca bệnh hiếm gặp khi các tổn thương được phát hiện ở 3 vị trí: đại tràng phải góc gan, đại tràng ngang và đại tràng xuống sát góc lách.
Các bác sĩ khoa Ngoại Ung bướu - Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân đã tiếp nhận và chẩn đoán tiên lượng khả năng phẫu thuật triệt căn ung thư cho người bệnh. Sau khi thống nhất phương án phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành cắt toàn bộ đại tràng phải, đại tràng ngang và đại tràng trái cao cùng nạo vét hạch hệ thống. Khoảng 2 tuần sau phẫu thuật, vết mổ đã khô, tiêu hóa thông tốt, người bệnh có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường và đủ điều kiện xuất viện.
Bày tỏ niềm xúc động khi được ra viện, người bệnh C. chia sẻ: “Tôi vào viện hơn 2 tuần trước khám do thấy thiếu máu, sụt cân nhanh, không có biểu hiện đau đớn gì. Qua kiểm tra thì phát hiện bị u đại tràng. Các bác sĩ đã tư vấn về phác đồ điều trị và lên lịch phẫu thuật cho tôi, hiện tại sau khoảng 2 tuần phẫu thuật thì vết mổ của tôi đã khô ráo và được bác sĩ chỉ định xuất viện vào chiều nay. Tôi xin chân thành cảm ơn các cán bộ, các y bác sĩ khoa Ngoại Ung bướu đã tận tâm chăm sóc, điều trị cho tôi.”
|
Bà N.T.C được điều dưỡng khoa Ngoại Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc chăm sóc |
Nói về ca bệnh này, ThS.BS. Phạm Văn Hùng - Khoa Ngoại Ung bướu cho biết: “Đây là trường hợp với tổn thương hiếm gặp bởi ung thư đại tràng thường chỉ ở một vị trí như đại tràng trái, phải, đại tràng ngang,… Với ca bệnh này, ngoài tổn thương ở 3 vị trí được được xác định trước phẫu thuật, khi nội soi đại tràng trước mổ, chúng tôi phát hiện thêm 1 polyp kích thước khoảng 1,5cm, bề mặt xung huyết ở đại tràng sigma đã tiến hành cắt qua nội soi và sinh thiết cho kết quả polyp u tuyến loạn sản nhẹ. Những tổn thương này nếu không tầm soát và xử lý kịp thời thường sẽ phát triển thành tế bào ung thư trong tương lai. Đặc biệt, qua khai thác thông tin người thân, người bệnh có 4 người con gồm 1 con trai và 3 con gái, trong đó con trai đã phẫu thuật và truyền hóa chất ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm vào năm 2011, hiện vẫn tái khám định kỳ ổn định, một con gái phẫu thuật ung thư đại tràng ở giai đoạn muộn hiện tại đã mất. Do đó, mọi người cần đặc biệt chú ý đến yếu tố di truyền để đi kiểm tra, tầm soát ung thư sớm.”
|
ThS.BS. Phạm Văn Hùng - Khoa Ngoại Ung bướu thăm khám và khai thác tiền sử bệnh từ gia đình người bệnh N.T.C |
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư đại tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong thư thứ ba trong số các loại ung thư trên toàn cầu. Trong năm 2020, ung thư đại tràng đã ảnh hưởng đến hơn 1.9 triệu người trên toàn thế giới và gây ra hơn 930.000 ca tử vong. Trong đó, tỷ lệ mắc ung thư đại tràng do yếu tố di truyền dao động từ 5-7%. Cụ thể, khoảng 5% các trường hợp ung thư đại tràng liên quan đến hội chứng Lynch (Ung thư đại trực tràng không polyp di truyền), và khoảng 1% các trường hợp là do đột biến gen liên quan đến polyp tuyến có tính gia đình.
Bác sĩ chuyên khoa ung bướu khuyến cáo: Mọi người nên tầm soát ung thư định kỳ 1 năm/ lần đối với đối tượng nam, nữ ngoài 40 tuổi, nếu tiến hành nội soi đại tràng có polyp thì cần xử lý cắt và sinh thiết. Đặc biệt, với đối tượng trong gia đình có nhiều người bị ung thư đại tràng thì nên đi tầm soát theo cả gia đình vì có yếu tố di truyền. Đồng thời, người dân cần thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, duy trì chế độ ăn uống khoa học, không sử dụng các chất kích thích và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa các yếu tố bệnh lý liên quan đến ung thư.